Đức thúc đẩy đồng thuận về Quỹ phục hồi kinh tế EU

Sau khi chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm vào ngày 1-7 vừa qua, Đức đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên EU nhanh chóng thu hẹp bất đồng để đạt được đồng thuận về Quỹ phục hồi kinh tế EU trị giá 750 tỷ euro.

Theo Reuters, ngày 2-7, phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc thảo luận trực tuyến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hối thúc các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng đạt đồng thuận về Quỹ phục hồi kinh tế trị giá hàng tỷ euro sau đại dịch Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ Đức nêu rõ: “Cần phải đạt được sự đồng thuận trong mùa hè này. Tôi không thể hình dung về một thời điểm nào khác. Do vậy, chúng ta sẽ nỗ lực hết sức nhằm thể hiện sự quyết tâm của mình. Chúng ta biết rằng EU đang ở thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử của khối”.

Tại cuộc thảo luận trực tuyến trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng, giai đoạn 6 tháng cuối năm rất quan trọng đối với EU trong bối cảnh nền kinh tế “lục địa già” bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Cuối tháng 5 vừa qua, EC đã đề xuất thiết lập Quỹ phục hồi kinh tế EU sau đại dịch Covid-19 trị giá 750 tỷ euro (tương đương khoảng 843 tỷ USD) nhằm giúp các nền kinh tế EU vượt qua khủng hoảng. Theo đó, 2/3 trong số tiền trên là các khoản tài trợ cho những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Phần tiền còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. Để có thể triển khai quỹ này, cần phải có sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn các nước thành viên EU đoàn kết để vực dậy kinh tế châu Âu sau dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn các nước thành viên EU đoàn kết để vực dậy kinh tế châu Âu sau dịch bệnh. Ảnh: Reuters.

Đề xuất của EC được hai quốc gia đầu tàu EU là Đức và Pháp hưởng ứng. Tại cuộc hội đàm ở Đức hồi cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều nhất trí thúc đẩy Quỹ phục hồi kinh tế EU. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh, nếu không thể tìm được tiếng nói chung cho vấn đề này thì châu Âu sẽ không thể vượt qua được thách thức. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều nước phản đối kế hoạch này do lo ngại về sự thiếu công bằng trong phân bổ gói cứu trợ và nguy cơ một số nước rơi vào cảnh nợ chồng chất.

Lời kêu gọi các nước thành viên đồng thuận về Quỹ phục hồi kinh tế EU được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra chỉ ít ngày sau khi nước này chính thức tiếp quản vị trí Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm từ Croatia vào ngày 1-7 vừa qua. Trong khoảng thời gian này, Đức sẽ phải giải quyết hàng loạt thách thức mà EU đang phải đối mặt, như: Cuộc chiến chống Covid-19, phục hồi kinh tế, quan hệ thương mại với Anh hậu Brexit hay chính sách về vấn đề người di cư... Theo Thủ tướng Merkel, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Berlin là sớm đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng do Covid-19 và chấn hưng nền kinh tế khu vực.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu, nền kinh tế châu Âu bị chao đảo do những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, tại “lục địa già”, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phải tạm ngừng và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh khi các nước trong khu vực áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hiện nay, dù các nước EU đang từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhưng việc vượt qua được những khó khăn do dịch bệnh gây ra không phải chuyện dễ dàng. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã qua đi, song việc quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây là rất khó.

Hồi tháng 3 vừa qua, thời điểm Covid-19 hoành hành dữ dội tại châu Âu, các quốc gia EU đã phản ứng theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chỉ sau khi tổ chức nhiều cuộc họp, các nước mới bắt đầu phối hợp, hỗ trợ nhau trong đại dịch. Theo nhà lãnh đạo Đức Angela Merkel, tình thế khó khăn hiện nay là phép thử cho tinh thần đoàn kết của châu Âu bởi chính các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh đang hoài nghi giá trị của EU trong khủng hoảng. Bà Merkel nhấn mạnh, các nước thành viên EU phải hành động nhanh và dứt khoát, đồng thời khẳng định khối này chỉ có thể vượt qua khủng hoảng nếu các nước đoàn kết hành động.

Trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2020, Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ có cơ hội thể hiện bản lĩnh của mình khi giải quyết những thách thức của khối. Nhiều nước thành viên EU kỳ vọng rằng, Berlin có thể làm tốt vai trò điều phối, giúp các nước trong khối tìm được tiếng nói chung để vực dậy nền kinh tế châu Âu sau dịch bệnh.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/duc-thuc-day-dong-thuan-ve-quy-phuc-hoi-kinh-te-eu-626033