Đức thuyết phục các bên xung đột tham dự hội thượng đỉnh về Libya

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ hy vọng các bên xung đột tại Libya sẽ tận dụng cơ hội này để người dân Libya có thể quyết định tương lai của đất nước.

Lực lượng trung thành vơíTướng Khalifa Hafta tuần tra tại thành phố Sebha, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng trung thành vơíTướng Khalifa Hafta tuần tra tại thành phố Sebha, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/1, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên đường tới Libya trong nỗ lực thuyết phục Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng - tham gia hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya dự kiến diễn ra vào cuối tuần này ở thủ đô Berlin.

Trao đổi với báo giới trước khi lên đường tới Libya, Ngoại trưởng Maas cho biết hội nghị tại Berlin, dự kiến diễn ra vào ngày 18/1, là "cơ hội tốt nhất về lâu dài" đối với các cuộc hòa đàm tại Libya, vốn chìm trong xung đột kể từ năm 2011.

Ông Maas bày tỏ hy vọng các bên xung đột tại Libya sẽ tận dụng cơ hội này để người dân Libya có thể quyết định tương lai của đất nước. Để làm được điều này, các bên xung đột tại Libya cần tham gia cơ chế đối thoại do Liên hợp quốc đề xuất và có thiện chí thúc đẩy một lệnh ngừng bắn thực sự.

Theo kế hoạch, ông Maas sẽ gặp Tướng Haftar tại thành phố Benghazi, miền Đông Libya, một vài ngày sau khi gặp người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli Fayez al-Sarraj.

Ngày 14/1 vừa qua, Chính phủ Đức đã xác nhận sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị.

Đức cũng mời đại diện của các bên đối lập tại Libya, gồm Tướng Khalifa Haftar và người đứng đầu GNA Fayez al-Sarraj nhưng chưa nhận được phản hồi từ hai bên.

Đầu tuần này, phái đoàn của hai bên đối địch ở Libya đã tiến hành đàm phán tại Moskva nhằm cố gắng đi đến một thỏa thuận ngừng bắn dưới sự trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên sau đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tướng Haftar đã rời khỏi thủ đô Moskva của Nga mà không ký kết thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt 9 tháng xung đột tại quốc gia này.

Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở thủ đô Tripoli và được Liên hợp quốc công nhận, trong khi LNA của Tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/duc-thuyet-phuc-cac-ben-xung-dot-tham-du-hoi-thuong-dinh-ve-libya/618888.vnp