Đức trấn áp 'mạng lưới khổng lồ' mua bán người Việt khắp châu Âu
Cảnh sát liên bang Đức ngày 18/1 cho biết đang tăng cường hợp tác xuyên biên giới ở châu Âu để chống nạn mua bán người Việt, trong bối cảnh Berlin thành tâm điểm của các đường dây.
Nhằm tìm kiếm việc làm ở châu Âu, người Việt Nam di cư bất hợp pháp qua các đường dây buôn người, đi qua Trung Quốc hoặc Nga, ông Carsten Moritz, người đứng đầu đơn vị chống mua bán người ở Văn phòng Cảnh sát Tội phạm Liên bang (BKA) nói với đài RBB ở Đức.
Những người đến từ Việt Nam thường làm việc trong “điều kiện bóc lột” để trả các khoản đã vay đường dây đưa người, có thể lên tới 12.000-24.000 USD mỗi người, theo AFP.
Theo BKA, “một mạng lưới khổng lồ” và “đang hoạt động trên khắp châu Âu” đứng đằng sau nạn mua bán người từ Việt Nam, đem lại “lợi nhuận khổng lồ” cho giới tội phạm.
Một chiến dịch toàn châu Âu sẽ được tiến hành trong năm nay để trấn áp các hoạt động tội phạm này, do BKA dẫn đầu và có sự hỗ trợ của cảnh sát từ Ba Lan, Anh, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Bỉ và cơ quan cảnh sát EU (Europol).
Cảnh sát từng phát hiện người di cư, bao gồm trẻ em, làm việc bất hợp pháp trong các tiệm massage, tiệm làm móng, nhà hàng, các công việc dệt may và lau dọn.
Theo ông Moritz, một khu vực quan trọng là quận Lichtenberg, phía đông Berlin, nơi có chợ Đồng Xuân của người Việt.
Tháng 3/2020, cảnh sát Đức có đợt kiểm tra, bắt giữ những người nghi tham gia mua bán người Việt Nam, và đã bắt giữ 6 người liên quan tới việc đưa 155 người Việt tới Đức.
Chuyến đi châu Âu của người di cư không hợp thức từ Việt Nam thường đầy rẫy hiểm nguy, trong những điều kiện khổ ải. Năm 2019, 39 người di cư Việt Nam tử vong trên xe tải đông lạnh ở Anh, sau khi được đưa tới từ châu Âu.
Cầm đầu đường dây là Gheorghe Nica, bị bắt giữ ở Frankfurt tháng 1/2020, sau đó bị kết án ở London với 39 tội danh giết người.
Một nghi phạm cầm đầu khác có biệt danh “Duke Hói”, 29 tuổi, bị bắt giữ ở Đức hồi tháng 5/2020, theo AFP.
Có khoảng 188.000 người gốc Việt ở Đức, theo thống kê chính thức. Nhiều người Việt tới đây từ thời xuất khẩu lao động cho Đông Đức, và ở lại sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Một số người khác sang Tây Đức sau thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.