Đức truy nã quốc tế hai nhân vật trong vụ 'Hồ sơ Panama'
Đức đã phát lệnh truy nã hai nhân vật sáng lập công ty Mossack Fonseca vốn là tâm điểm trong vụ bê bối rò rỉ tài liệu mang tên 'Hồ sơ Panama' hé lộ các vụ tham nhũng, trốn thuế quy mô toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, 4 năm rưỡi sau khi "Hồ sơ Panama" được công bố, nhà chức trách Đức đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với các chủ sở hữu trước đây của công ty luật Mossack Fonseca là Jürgen Mossack (72 tuổi, đến từ Đức) và Ramón Fonseca (68 tuổi, người Panama). Một người phát ngôn của Văn phòng Công tố Köln đã xác nhận lệnh truy nã này, song không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Báo SZ (Nam Đức) - tờ báo đầu tiên tiết lộ vụ bê bối "Hồ sơ Panama", cho biết hai nhân vật trên hầu như chưa phải chịu các chế tài của luật pháp và khó có thể sớm bị bắt giữ. Hai người này đều có quốc tịch Panama và về nguyên tắc Panama sẽ không cho phép dẫn độ công dân của mình tới nước khác. Có thông tin Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đang tiến hành điều tra các nhân vật này. Các nhà điều tra Đức hy vọng nhân vật Jürgen Mossack, một người có gia đình ở Đức, sẽ tự nguyện ra hầu tòa tại Đức để có thể được giảm nhẹ tội, do ông này đã cao tuổi, ngoài ra còn có thể được miễn thủ tục tố tụng hình sự ở Mỹ với cùng tội danh như được xét xử ở Đức.
Mossack và Fonseca đã mở công ty luật mang tên chung là Mossack Fonseca ở Panama vào những năm 1980 chuyên thiết lập và điều hành các công ty bình phong. Trong nhiều thập kỷ, Mossack Fonseca đã giúp các chính trị gia, nhiều quan chức Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), các tội phạm cũng như các tỷ phú và nhân vật nổi tiếng trốn thuế và che giấu nguồn tài sản khổng lồ của họ. Sau khi một đơn tố cáo nặc danh được gửi tới tờ SZ, các phóng viên điều tra của báo này đã phối hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), gồm khoảng 400 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới, tiến hành phân tích dữ liệu và công bố kết quả vào tháng 4/2016 với tiêu đề "Hồ sơ Panama".
Sau khi "Hồ sơ Panama" được công bố, nhiều chính trị gia, trong đó có cả Thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là Sigmundur Gunnlaugsson và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, đã phải từ chức. Hàng nghìn cuộc điều tra sơ bộ đã được thực hiện trên toàn thế giới và số tiền tương đương trên 2 tỷ euro đã được thu giữ. Chỉ riêng ở Đức, khoảng 2.000 thủ tục tố tụng đã được tiến hành đối với những đối tượng trốn thuế, và nhiều ngân hàng và các nhà quản lý tài sản đã nộp phạt hàng triệu USD.