Đức tuyên bố loại bỏ dần linh kiện của Huawei và ZTE

Bộ Nội vụ Đức thông tin, linh kiện do các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất sẽ được loại bỏ khỏi cơ sở hạ tầng mạng không dây 5G của quốc gia này trong vòng 5 năm tới.

Một cửa hàng của Huawei tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images

Một cửa hàng của Huawei tại Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images

Ngày 11/7, Bộ Nội vụ Đức cho biết các nhà khai thác mạng di động tại quốc gia này bao gồm Vodafone, Deutsche TelekomTelefonica đã đồng ý loại bỏ các linh kiện do các công ty Trung Quốc sản xuất khỏi “mạng lõi” 5G của mình vào cuối năm 2026. Tới cuối năm 2029, các linh kiện này cũng phải được loại bỏ khỏi “mạng truyền tải và truy cập”, bao gồm các cấu trúc vật lý của mạng 5G như đường truyền và tháp.

“Bằng cách này, chúng tôi đang bảo vệ “hệ thống thần kinh trung ương” của Đức với tư cách là một địa điểm kinh doanh – và chúng tôi đang bảo vệ thông tin liên lạc của người dân, các công ty cũng như nhà nước. Chúng ta phải giảm thiểu rủi ro bảo mật và không giống như trước đây, tránh sự phụ thuộc một chiều,” Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser phát biểu.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của “cơ sở hạ tầng viễn thông an toàn và linh hoạt” trước “những nguy cơ phá hoại và gián điệp” cũng như việc “dựa vào các nhà sản xuất đáng tin cậy” để “tránh các lỗ hổng nghiêm trọng và sự phụ thuộc”.

Phản ứng lại tuyên bố trên, CNN dẫn lời đại diện của Huawei cho biết “không có bằng chứng cụ thể nào” cho thấy công nghệ của công ty có rủi ro an ninh mạng. Huawei nói rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với khách hàng và đối tác một cách mang tính xây dựng và cởi mở, thúc đẩy cải tiến và tiến bộ về an ninh mạng, đồng thời thúc đẩy xây dựng mạng di động và số hóa ở Đức”.

ZTE không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức ngày 11/7 tuyên bố sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc. Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết động thái của chính phủ Đức “gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin lẫn nhau giữa hai bên và cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và châu Âu trong các lĩnh vực liên quan”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cùng ngày chỉ trích rằng “việc biến các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ thành chính trị sẽ chỉ làm gián đoạn các trao đổi công nghệ”.

Quyết định mới của chính phủ Đức có khả năng sẽ khiến quan hệ giữa nước này với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Tuần trước, Berlin đã chặn việc bán công ty con của Volkswagen cho một công ty nhà nước Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Trung Quốc cũng đang vướng vào một cuộc tranh chấp thương mại với Liên minh châu Âu về vấn đề tăng thuế ô tô điện nhập khẩu.

Ngoài Đức, một số quốc gia phương Tây khác bao gồm Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản từng thực hiện các động thái hạn chế Huawei xây dựng mạng 5G do lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các công ty công nghệ để do thám công dân của mình. Mỹ cũng đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại vào năm 2019, khiến công ty gặp khó khăn trong việc mua chip bán dẫn từ các nhà cung cấp Mỹ.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/duc-tuyen-bo-loai-bo-dan-linh-kien-cua-huawei-va-zte-31144.html