Đức và châu Âu một lần nữa trở thành mục tiêu của IS

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng dao ở Solingen, nước Đức vào tuần trước. Đây chỉ là ví dụ mới nhất về làn sóng bạo lực mới liên quan đến IS mà các chuyên gia cho biết, cuộc chiến ở Trung Đông là chất xúc tác chính.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng các quan chức đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công bằng dao ở Solingen

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng các quan chức đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công bằng dao ở Solingen

Tối 23-8, nước Đức chấn động vì vụ tấn công bằng dao xảy ra tại thành phố Solingen, nơi hàng nghìn người tụ tập trong một lễ hội văn hóa. Nghi phạm người Syria 26 tuổi thú nhận gây ra sự việc khiến 3 người thiệt mạng, 8 người bị thương. Theo Amak, cơ quan ngôn luận của IS, vụ tấn công được thực hiện để trả thù cho người Hồi giáo ở Palestine và những nơi khác.

“Những kẻ cực đoan đang lợi dụng cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông như một cách để giành động lực”, ông Thomas Mücke - thành viên Mạng lưới Phòng ngừa bạo lực (VPN), một tổ chức chuyên ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan và phi cực đoan hóa tội phạm bạo lực nhận định.

Vụ việc ở Solingen là một trong hàng loạt vụ tấn công của người Hồi giáo trên khắp châu Âu trong những tuần gần đây, mặc dù không phải lúc nào cũng rõ liệu IS có phải là thủ phạm hay không. Vào cùng ngày với vụ tấn công ở Solingen, hai chiếc xe đã phát nổ bên ngoài một giáo đường Do Thái ở La Grande-Motte ở miền Nam nước Pháp. Trước đó, chính quyền Áo đã bắt giữ hai nghi phạm ủng hộ IS ngay trước hai buổi hòa nhạc được lên kế hoạch của ca sĩ người Mỹ Taylor Swift tại Vienna vào đầu tháng 8. Nghi phạm chính, một thanh niên Áo 19 tuổi có gốc Bắc Macedonia, đã nói vào thời điểm bị bắt rằng anh ta muốn “tự sát và giết một nhóm người lớn”. Ngay sau đó, các buổi hòa nhạc đã bị hủy bỏ.

Vào cuối tháng 5, một người Afghanistan sống ở Đức đã sát hại một cảnh sát và làm bị thương nghiêm trọng 5 người khác ở Mannheim. Vụ tấn công nhằm vào Chủ tịch Pax Europa, một phong trào chỉ trích Hồi giáo. Mặc dù không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp nào với IS trong vụ việc này, các nhà điều tra đã phân loại vụ tấn công là có động cơ tôn giáo. Sau vụ tấn công này, chính quyền ở cả Đức và Pháp đều bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về bạo lực của IS trong Giải vô địch bóng đá châu Âu mùa hè năm nay tại Đức và Thế vận hội Olympic tại Paris. Cả hai sự kiện lớn này đều diễn ra trong hòa bình, nhưng có lẽ chỉ nhờ các biện pháp an ninh được tăng cường và kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.

Chính quyền các nước Tây Âu đã ghi nhận 7 vụ tấn công và 21 âm mưu tấn công kể từ ngày 7-10-2023, khi xung đột Israel - Hamas bùng phát. Con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2022. Ông Mücke cho rằng, sự gia tăng này không có gì đáng ngạc nhiên: “IS xác định Tây Âu là mục tiêu tấn công, rõ ràng là với mục đích gieo rắc nỗi kinh hoàng và sợ hãi, đồng thời chia rẽ xã hội để chúng có thể chiêu mộ thêm nhiều người cho mục đích của mình”. “IS liên tục kêu gọi các cuộc tấn công như vậy khi tuyên truyền trên Internet. Chúng cũng có những hướng dẫn chính xác về cách thực hiện các cuộc tấn công, chẳng hạn như sử dụng ô tô để giết người ngoại đạo ở khắp mọi nơi”, ông Mücke nói.

Trong một vụ tấn công đặc biệt kinh hoàng, một người ủng hộ IS đã lái xe tải đâm vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin vào năm 2016, cướp đi sinh mạng của 12 người. Đến năm 2019, nhiều người tin rằng IS đã bị đánh bại về mặt quân sự ở Trung Đông. Các cuộc tấn công của IS ở châu Âu cũng đã giảm trong một thời gian. Tuy nhiên, với làn sóng tấn công mới này, chủ nghĩa thánh chiến dường như đã quay trở lại. Đáng nói, thủ phạm ngày càng trẻ hơn, với 2/3 số nghi phạm là thanh thiếu niên.

Các chuyên gia dường như bi quan về triển vọng cải thiện trong tương lai gần. Sự leo thang của cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến động lực của chủ nghĩa khủng bố trong nhiều năm tới. Đồng thời, việc tạo ra các khu vực cấm dao, như Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đề xuất, là không mấy tác dụng bởi một khi ai đó có ý định giết người bằng dao thì sẵn sàng xâm nhập các khu vực cấm.

Tuy nhiên, ông Thomas Mücke cho rằng, từ Mạng lưới Phòng ngừa bạo lực vẫn có hy vọng. “Gần đây, số cuộc gọi đến đường dây nóng tư vấn đã tăng lên gấp bội, cho chúng tôi thông tin cần thiết để cố gắng ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa ở giai đoạn tương đối sớm”, chuyên gia cho biết. Ông cho rằng, những người trẻ này sẽ có thể là thế hệ khủng bố tiếp theo, phát hiện sớm và thay đổi họ là cơ hội tốt nhất để kiềm chế chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.

Theo DW

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/duc-va-chau-au-mot-lan-nua-tro-thanh-muc-tieu-cua-is-post587713.antd