Đức và Pháp hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6
Trang tin quân sự Defense News đăng tải, Pháp và Đức đã ký hợp đồng hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tương lai được cho là thuộc thế hệ thứ 6 mang tên SCAF. Biên bản hợp tác đã được thông qua trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parley và người đồng cấp Đức Annegret Kramp-Karrenbaer.
Cùng với Pháp và Đức, Tây Ban Nha cũng là một bên đối tác của SCAF. Hiện chưa rõ mức độ tham gia của Tây Ban Nha, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Angel Olivares Ramirez cũng có mặt tại lễ ký kết.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, Đức và Pháp sẽ triển khai giai đoạn phát triển đầu tiên của SCAF, kéo dài trong 1 năm rưỡi. Tổng chi phí của giai đoạn đầu tiên của SCAF ước khoảng 150 triệu Euro. Mục tiêu của giai đoạn đầu tiên là phác thảo thiết kế, hoàn thiện các công nghệ được ứng dụng trên máy bay chiến đấu tương lai… để tạo ra mô hình hoàn chỉnh thử nghiệm trong hầm gió. Nguyên mẫu đầu tiên của SCAF sẽ xuất hiện vào năm 2025 và chính thức đưa vào biên chế từ năm 2040.
Tham gia vào quá trình phát triển SCAF, Đức yêu cầu các doanh nghiệp nội địa được tham gia sâu vào quá trình phát triển các hệ thống lõi của SCAF. Tuy nhiên, do chương trình mới dừng ở giai đoạn phác thảo dự án, nên không rõ Đức sẽ chịu trách nhiệm phát triển những thành phần nào trên SCAF.
Đánh giá về triển vọng phát triển SCAF, giới chuyên gia quân sự quốc tế chung nhận định, chương trình trên dù mới chỉ có sự tham gia của Đức, Pháp và Tây Ban Nha, nhưng có tiềm năng là một chương trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai hợp nhất chung của châu Âu. Tuy nhiên, việc SCAF có thể cất cánh lần đầu tiên vào năm 2040 hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 là lĩnh vực công nghệ hàng không hoàn toàn mới và ẩn chứa nhiều thách thức kỹ thuật không dễ dàng vượt qua. Đặc biệt, SCAF hiện tại mới chỉ ở giai đoạn phác thảo dự án.
Hơn thế nữa, trong quá khứ, châu Âu từng có tiền lệ xấu trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu hợp nhất Eurofighter. Chính vì sự bất đồng trong phát triển biến thể hải quân của Eurofighter, Pháp đã quyết định rút khỏi dự án và phát triển dòng máy bay Rafale riêng. Với SCAF, châu Âu đang một lần nữa cố gắng một lần nữa hợp tác, nhưng lần này là vì các mục tiêu cụ thể hơn.
Châu Âu đang chậm chân so với Mỹ, Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5. Các quốc gia nói trên hiện cũng đang hoàn thiện những yêu cầu kỹ thuật dành cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Điển hình là Nga với dự án Mig-41 đang trong giai đoạn phát triển.