Đức Xuân phát huy thế mạnh cây chè Shan tuyết
Xã Đức Xuân cách trung tâm huyện Bắc Quang 45 km, là địa phương thuộc vùng núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, đó chính là nơi cây chè Shan tuyết phát triển hoàn toàn 'hữu xạ tự nhiên hương'; với hương thơm đậm, vị ngọt, nước xanh, khiến những người thưởng trà sành nhất cũng phải tấm tắc khen ngon.
Theo lời của các bậc cao niên trong làng, cây chè Shan tuyết bám rễ, sinh sôi, thích nghi với núi rừng Đức Xuân từ những năm 1978 và phát triển mạnh nhất ở các thôn Xuân Đường, Nà Pó, Phiêng Phày. Cho đến nay, vẫn còn những cây chè Shan cổ thụ, với đường kính thân cây chừng 20 cm. Trước kia, dân bản địa Dao, Tày thường thu hái búp chè, sấy khô để làm đồ uống hoặc mang ra chợ bán; chính hương vị đậm đà riêng biệt, nguồn gốc tự nhiên nên đã thu hút, chinh phục người dùng. Cũng nhờ giá trị cây chè đem lại, bà con nơi đây có thêm khoản thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ xã đã xác định cây chè là cây thế mạnh trong chiến lược giảm nghèo bền vững của địa phương. Đúng thời điểm đó, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) chính thức triển khai tại địa bàn xã; quy mô thực hiện 8/8 thôn với 505 hộ hưởng lợi. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để giúp người dân mở rộng diện tích trồng chè, đẩy mạnh sự hợp tác cùng các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong mối liên kết trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, xã Đức Xuân có tổng diện tích trên 124 ha chè; trong đó, có 95 ha cho thu hoạch, mỗi năm sản lượng chè búp tươi đạt hàng chục tấn, giá bán chè tươi đạt 8 - 13 nghìn đồng/kg, chè khô đạt 120 - 150 nghìn đồng/kg; điều đáng mừng là sản phẩm chè làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết.
Trong 4 năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân; xã đã thành lập được 25 nhóm cùng sở thích (CIG) phát triển kinh tế. Đến nay, 15 nhóm đã nhận tài trợ với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Riêng 3 nhóm trồng và chăm sóc chè Shan tuyết theo hướng VietGAP ở các thôn: Xuân Đường, Phiêng Phày, Xuân Mới phát huy rõ hiệu quả. Các thành viên tham gia nhóm CIG nhận thấy việc nâng cao năng lực, ý thức phòng trừ dịch bệnh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi thông qua các lớp tập huấn, buổi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm. Hơn nữa, việc xây dựng nguồn quỹ cho vay quay vòng, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo đã khích lệ những nông dân có ý chí, khát vọng làm ăn, vượt qua khó khăn để sớm thoát nghèo.
Anh Phùng Sùn Sang, Trưởng nhóm CIG trồng và chăm sóc chè VietGAP thôn Xuân Đường cho hay: “Nhóm có 10 thành viên, vào mùa thu hái chè; nhóm tổ chức họp thường xuyên hơn để nắm bắt tình hình sản xuất cũng như việc tiêu thụ chè của các hộ dân. Chè khô của nhóm có bao bì, nhãn mác, tạo được thương hiệu riêng của mình; đó là niềm tự hào, trách nhiệm để chúng tôi yên tâm đầu tư, chăm sóc vườn chè, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo hợp phần của Chương trình CPRP, tôi còn được hỗ trợ 481 triệu đồng nâng cấp xưởng, mua máy móc, thiết bị sản xuất chè theo công nghệ hiện đại. Mỗi năm, gia đình tôi thu mua khoảng 60 tấn chè búp tươi của riêng thôn Xuân Đường và đứng ra thu mua toàn bộ chè khô của xã. Nhìn chung, việc tiêu thụ chè khô cũng rất thuận lợi, bởi có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến bao tiêu sản phẩm; theo tôi, cây chè rất có tiềm năng, lợi thế để phát triển”.
Đồng chí Vũ Xuân Mạnh, Chủ tịch UBND xã Đức Xuân khẳng định: “Để cây chè thật sự là cây thoát nghèo cho bà con; đến năm 2020 xã tiếp tục đầu tư trồng chè, nâng diện tích lên 145 ha. Về giải pháp, xã luôn duy trì các nhóm CIG trồng chè hiện có, giữ vững và nâng tầm thương hiệu chè Shan tuyết đặc sản gắn với sản xuất hữu cơ, VietGAP để tạo ra chè sạch, an toàn; đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh sự ưu tiên của Chương trình CPRP, địa phương sẽ lồng ghép các nguồn lực, chương trình vay vốn để động viên người dân thi đua sản xuất, đưa hương thơm của chè Shan tuyết Đức Xuân ngày càng bay xa”.
Bài, ảnh: MỘC LAN