Đùm bọc, sẻ chia lúc nguy nan

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đang gây ra những thiệt hại nặng nề về người và của cho các địa phương miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trong cơn hoạn nạn, khó khăn chất chồng, cũng là lúc, chúng ta được chứng kiến tình dân tộc, nghĩa đồng bào tỏa sáng và thắm đượm hơn bao giờ hết.

Những ngày này, ai cũng cảm thấy cay cay khóe mắt khi chứng kiến những cảnh tượng khốc liệt, tang thương ở vùng tâm lũ các địa phương miền Bắc. Cơn bão số 3 và hoàn lưu đã gây ra đợt mưa lũ lớn cho các địa phương mà nó đi qua. Giờ đây, dù bão đã tan, mưa đã ngớt, nhưng đồng bào ở nhiều địa phương vẫn đang phải dầm mình trong biển nước. Nhiều gia đình mất nhà, mất người thân... Những thiệt hại vô cùng to lớn, không gì đong đếm được về người và của mà thiên tai để lại đang gây ra bộn bề những khó khăn…

Vượt lên những mất mát, đau thương, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc Việt Nam một lần nữa được phát huy mạnh mẽ, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đó là những hình ảnh rất xúc động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương đã có mặt ở những vùng tâm lũ, khu vực sạt lở đất nguy hiểm chia sẻ, hỗ trợ đồng bào; thăm hỏi, động viên các lực lượng đang căng mình khắc phục thiên tai.

Đó là đợt quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bão lũ đang diễn ra rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước; trong đó, đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cơ quan đầu mối tiếp nhận đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng tiền hỗ trợ.

Tại Thủ đô Hà Nội - nơi bão số 3 quét qua, nhiều vùng dân cư vẫn đang chìm trong nước. Trong những ngày này, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân. Đặc biệt, các đồng chí Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo thành phố cùng chính quyền các địa phương đã thường xuyên, trực tiếp có mặt ở những khu vực xung yếu nhất, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão; đồng thời, động viên, sẻ chia, trao những phần quà ý nghĩa hỗ trợ nhân dân sớm vượt qua thiên tai bão lũ.

Chung sức, đồng lòng với chính quyền các cấp, người dân cả nước cũng đang có những hành động thiết thực hướng về đồng bào vùng lũ miền Bắc. Những ngày này, từ trẻ em đến cụ già, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu chúng ta cũng thấy những lời sẻ chia thắm tình đồng bào và những hoạt động phát động quyên góp ủng hộ bà con vùng lũ. Ai ai cũng muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa, "nhường cơm sẻ áo" với người vùng lũ.

Chúng ta có thể thấy những việc làm cảm động và ấm áp ở Hà Nội như hình ảnh xe ô tô dìu xe máy đi qua cầu thời điểm bão số 3 đổ bộ; người dân cung cấp nơi ở miễn phí cho người vô gia cư và có nhà không an toàn; những người âm thầm chia sẻ đồ ăn, nước uống; vận chuyển xuồng, thuyền đến vùng lũ; nhiều khu dân cư bà con cùng chung tay gói bánh chưng để gửi nhân dân vùng thiên tai…

Ngoài ra, trong những ngày này, chúng ta cũng được chứng kiến nhiều tổ chức, cá nhân mang theo nhu yếu phẩm, áo phao, hàng cứu trợ… về nơi tâm lũ ở các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng… để giúp đỡ, sẻ chia với đồng bào đang phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Bão lũ qua đi để lại nhiều nỗi buồn và mất mát, nhưng những câu chuyện cảm động về tình người ấy sẽ giúp chúng ta thêm ấm áp. Và hơn hết, những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn còn thể hiện sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào - một sức mạnh to lớn đã, đang giúp nhân dân ta vượt qua mọi thác ghềnh, thử thách. Trong lúc nguy nan, con người xích lại gần nhau hơn, sẵn sàng giúp đỡ dù không quen biết.

Thế nhưng, trong lúc này, cùng với hành động giúp đỡ đồng bào đang cơ cực, khó khăn, chúng ta cũng phải cảnh giác và cùng nhau lên án những hành vi trục lợi trên nỗi đau mất mát, lợi dụng bão lũ để lừa đảo kêu gọi từ thiện. Việc cấp bách này đã được cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo: Người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng; chỉ quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân uy tín. Làm được việc này chính là cách để tấm lòng thiện nguyện của chúng ta không bị đặt nhầm chỗ và chắc chắn sẽ đến được với người đang cần.

Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa là hiện nay, phong trào quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ đang ngày càng lan rộng và dâng cao, vì thế rất có thể sẽ có những nhóm hoạt động tự phát, thiếu những thông tin cần thiết như không thông hiểu địa hình nơi đến, bà con đang cần gì… dẫn đến vừa không an toàn, vừa hạn chế về hiệu quả. Do vậy, trong mọi hoàn cảnh, những tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện cần thiết phải liên hệ với chính quyền địa phương, với người dân để chúng ta nắm rõ hơn những thứ bà con đang cần và nơi nào cần cứu trợ trước.

Sự vào cuộc với trách nhiệm cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cùng sự yêu thương nồng đượm, đùm bọc sẻ chia kịp thời của người dân cả nước đã, đang giúp bà con vùng lũ dần gượng dậy sau thiên tai.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dum-boc-se-chia-luc-nguy-nan-678106.html