Dùng AI để... đòi nợ

Bạn đọc viết

Bùi Hồng Hạnh (Thành phố Đà Nẵng):

Với đà phát triển như vũ bão của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân ứng dụng rộng rãi vào hệ thống vận hành, chuỗi cung ứng dịch vụ. Đáng buồn là, bên cạnh sự thuận tiện và thoải mái cho khách hàng thì AI giờ còn trở thành công cụ đắc lực của những hành vi có dấu hiệu trái pháp luật, thậm chí côn đồ, cố ý khủng bố tinh thần.

Thời gian gần đây, tôi và nhiều người thân, đồng nghiệp đều ghi nhận những cuộc gọi quấy rối, nhất là vào giờ trưa hoặc nửa đêm. Nội dung các cuộc gọi đều mở đầu bằng câu hỏi “Anh/chị có quen anh Nguyễn Văn A/chị Nguyễn Thị B… hay không?”. Cho dù người nghe khẳng định rõ ràng là “không”, đầu dây bên kia vẫn một mực nhấn mạnh việc “anh A/chị B” nào đó đã sử dụng số điện thoại người nghe để làm số đối chiếu khi… vay nợ. Và sau đó, mặc cho người nghe có tức giận, cúp máy hay chặn số, thì sẽ có hàng loạt đầu số khác gọi tới, tiếp tục “tra tấn” với cùng câu hỏi trên bằng chất giọng nhừa nhựa.

Không khó để nhận ra rằng, “người” thực hiện các cuộc gọi này thực chất chỉ là những cỗ máy vô hồn, được giao mệnh lệnh quấy rối liên tục và đặc biệt nhắm vào những khung giờ nghỉ ngơi, cốt để người nghe phải liên hệ và “giục hộ” anh A/chị B trả nợ.

Vay nợ là vụ việc mang tính chất cá nhân, bản thân những người nghe điện thoại rõ ràng không hề liên quan, nhưng nay lại phải chịu sự khủng bố tinh thần hằng ngày, hằng giờ. Vậy, liệu tôi có quyền kiện cả bên đòi nợ lẫn người đã cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân của chúng tôi cho họ hay không? Bởi một khi cuộc gọi quấy rối đã được tự động hóa toàn bộ các quy trình như đã nêu, bên đòi nợ sẽ chẳng phải làm gì ngoài việc cài đặt để AI “nhấc máy bấm số” liên tục, không cho “con mồi” có thời gian “hoàn hồn”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dung-ai-de-doi-no-post893122.html