Đừng ăn xổi

Vụ việc mới đây, gần 100 du khách Trung Quốc bị bỏ rơi tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) đi theo hình thức 'tour du lịch 0 đồng' đã phơi bày những thói xấu, thậm chí vi phạm pháp luật của một số đơn vị tổ chức du lịch theo kiểu ăn xổi. Cách làm du lịch này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu du lịch quốc gia, làm mất lòng tin của du khách.

Tâm lý chung khá phổ biến của người đi du lịch đó là sự cảnh giác, đề phòng để tránh bị “tiền mất tật mang”, “rước bực vào mình”. Để xóa bỏ được tâm lý này là không dễ, bởi tình trạng làm du lịch ăn xổi tồn tại lâu nay.

Phải ghi nhận, những năm qua, bằng quyết tâm của ngành du lịch, của các địa phương và những đơn vị làm ăn chân chính, diện mạo du lịch nước ta rất khởi sắc. Lượng khách trong và ngoài nước tăng mạnh qua từng năm. Việt Nam trở thành điểm đến “không thể bỏ qua” trong sự phát triển ngành công nghiệp “không khói” một cách bền vững.

 Hạ Long là điểm đến ưa thích của du khách. Ảnh: TTXVN

Hạ Long là điểm đến ưa thích của du khách. Ảnh: TTXVN

Tuy vậy, tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch chưa chấm dứt, là cái gai trong mắt du khách. Đó là tình trạng “quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo” của một số đơn vị tổ chức; là sự chặt chém, nâng giá vô tội vạ ở một số hàng quán, dịch vụ; là sự nhếch nhác ở một số điểm đến... Đơn cử như “tour du lịch 0 đồng”. Kiểu tổ chức này từng có thời điểm nở rộ ở khắp các địa phương. Người dân tưởng được đi du lịch giá rẻ nhưng thực chất, sản phẩm họ được hưởng quá nghèo nàn, trong khi số tiền phải bỏ ra để mua hàng hóa theo yêu cầu, chỉ định của đơn vị đứng ra tổ chức tour không hề rẻ. Nhiều “tour du lịch 0 đồng” đã lợi dụng lòng tin của du khách để lừa bán sản phẩm không rõ nguồn gốc. Dư âm rất xấu của kiểu làm du lịch này khiến nhiều địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Hội An... đã tẩy chay nó.

Nhìn ở mọi góc độ đều không thể chấp nhận cách làm du lịch ăn xổi. Ở khía cạnh quản lý nhà nước, có rất nhiều việc phải làm từ xây dựng chiến lược phát triển, cách thức tổ chức, quản lý mà ngành du lịch và các địa phương đang quyết tâm thực hiện. Còn những hiện tượng, vụ việc vi phạm cụ thể, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh.

Ở một phạm vi khác, để ngành du lịch thực sự phát triển bền vững thì điều quan trọng là xây dựng được lòng tin của du khách. Chính lòng tin sẽ quyết định đến tâm lý, thói quen của người đi du lịch. Vì lòng tự trọng quốc gia, của văn hóa dân tộc, mỗi đơn vị tổ chức tour, những cá nhân kinh doanh dịch vụ... phải nhận thức rõ sự quan trọng của cách làm du lịch chân chính, lấy uy tín, chất lượng đặt lên hàng đầu, lấy tự trọng dân tộc làm văn hóa kinh doanh. Chỉ có cách làm ấy mới giúp họ thu được lợi nhuận lâu dài, bền vững. Còn mỗi người dân nên thấy mình như một đại sứ du lịch. Nghe thì cao siêu nhưng thực chất, mình tự xây dựng ý thức, thói quen bằng cách sử dụng các sản phẩm du lịch có hiểu biết, chung tay giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vệ sinh môi trường chung, hành xử văn minh ở nơi du lịch và lên án, vạch trần kiểu làm du lịch gian dối.

NGUYỄN HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dung-an-xoi-773226