Đừng biến lì xì thành nỗi ám ảnh mỗi dịp Tết

Lì xì bằng tiền mặt là truyền thống ở nhiều quốc gia châu Á. Song nhiều người áp lực vì những thước đo vô hình bị gán lên tiềng mừng tuổi.

Dịp Tết Nguyên đán, người dân ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có truyền thống tặng tiền mừng tuổi. Dù tên gọi và cách thức trao tặng có chút khác nhau ở mỗi nước, lì xì đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sự may mắn, bình an cho người thân yêu trong năm mới.

Tuy nhiên, việc tặng lì xì đôi khi biến tướng, trở thành thước đo của lòng yêu quý hay mức độ tôn trọng. Nhiều người gặp áp lực khi mức lì xì ngày càng tăng, trong khi kinh tế khó khăn.

Câu hỏi gây chia rẽ

Ở Hàn Quốc, "lì xì" bao nhiêu là câu hỏi gây chia rẽ các thế hệ mỗi dịp đầu năm mới.

Vào dịp Tết ở Hàn, người lớn tuổi (ông bà, cha mẹ) sẽ phát sebae-don (lì xì) - được đựng trong những chiếc túi đầy màu sắc - cho con cháu trong nhà. Đây được xem là món quà với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, bình an trong năm mới.

Nhưng những năm gần đây, cứ mỗi dịp năm mới, người ta lại bắt đầu tranh luận về việc lì xì bao nhiêu, hay có nên cho - nhận tiền đầu năm hay không.

Áp lực về số tiền mừng tuổi khiến cho truyền thống tốt đẹp bỗng nhiên trở nên xấu xí, thành gánh nặng của không ít người, Korea Hearald nhận định trong bài viết có tiêu đề "How much sebae money is enough?" (tạm dịch: Sebae bao nhiêu tiền là đủ?)

 Số tiền mừng tuổi trở thành chủ đề tranh luận ở Hàn Quốc mỗi dịp Tết.

Số tiền mừng tuổi trở thành chủ đề tranh luận ở Hàn Quốc mỗi dịp Tết.

Theo đó, cuộc khảo sát do SK Communications thực hiện với 6.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 20 đến 60, 43% cho thấy 50.000 won (40 USD) là số tiền lì xì phù hợp.

Nhưng có 30% nói rằng không ủng hộ việc cho hay nhận tiền vì thấy đôi bên đều áp lực.

Có 15% người tham gia khảo sát cho rằng trao sebae-don là truyền thống lâu đời nên không thể để mai một, nhưng người lớn chỉ cần lì xì khoảng 10.000 won là đủ để bày tỏ thành ý.

Và có 10% người khẳng định số tiền lì xì tỷ lệ thuận với độ chân thành của người tặng.

Hanwha Life Insurance đã thực hiện một khảo sát về số tiền lì xì nên cho tương ứng với độ tuổi. Kết quả, mức lì xì 30.000 won được cho là phù hợp với học sinh tiểu học; 50.000 won cho học sinh cấp 2;100.000 won cho học sinh cấp 3 và sinh viên đại học.

Một cuộc khảo sát của Samsung Securities cho thấy cứ 10 người trẻ dưới 20 tuổi thì có 6 người thích sử dụng sebae-don để đầu tư, mua cổ phiếu hơn là gửi vào tài khoản tiết kiệm.

Áp lực và khó xử

Lì xì (thường gọi là "Ang bao") cũng là truyền thống đầu năm mới ở Singapore, quốc gia có 75% dân số là người gốc Hoa đón Tết Nguyên đán. Nhưng những năm gần đây, cùng với lạm phát và chi phí sinh hoặt tăng, số tiền lì xì cũng trở thành gánh nặng, đặc biệt với các cặp vợ chồng mới cưới, theo SCMP.

Một trong những nguyên nhân khiến việc lì xì bị biến tướng đó là có rất nhiều trang web ở Singapore đưa ra "giá Ang bao" theo từng năm. Điều này vô tình khiến ta chịu áp lực phải lì xì theo con số "thị trường", dù kinh tế hạn hẹp.

Trang web Sassy Mama đã đưa ra "giá lì xì" cho năm 2024. "Chúng tôi hiểu rằng tình hình tài chính của mỗi gia đình là khác nhau, vì vậy, hãy đưa ra những gì bạn thấy thoải mái", trang này lưu ý đầu bài viết.

Có những trang web gợi ý mức lì xì lên tới trên 1.000 SGD (hơn 18 triệu đồng).

 Nhiều trang web ở Singapore thường công bố "giá lì xì" mỗi dịp Tết.

Nhiều trang web ở Singapore thường công bố "giá lì xì" mỗi dịp Tết.

Trong văn hóa Singapore, những cặp mới kết hôn sẽ phát lì xì cho cha mẹ, trẻ em và những người lớn độc thân trong nhà. Những con số này khiến nhiều cặp vợ chồng mới cưới chịu áp lực, khi họ vốn đã chịu gánh nặng chi phí đám cưới hay tân trang nhà cửa.

Nhiều người trẻ trưởng thành ở Singapore không còn mặn mà với phong tục phát Ang bao. Họ thấy không thoải mái khi số tiền mừng tuổi bị gán với lòng hiếu thảo hay mức độ tôn trọng. Những người đã ngoài 30 tuổi vẫn độc thân cũng không muốn nhận tiền mừng tuổi vì "khó xử".

Nhìn chung, đa số người Singapore vẫn coi lì xì là nét truyền thống đẹp, nhưng cho rằng cần thay đổi "cách vận hành" để phù hợp hơn điều kiện kinh tế mỗi người. Nên để lì xì đơn giản là cách bày tỏ tình cảm thay vì biến nó thành thước đo dựa trên số tiền chi ra.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-bien-li-xi-thanh-noi-am-anh-moi-dip-tet-post1454579.html