Đừng biến nỗi đau thành hàng hóa
Trong mọi bi kịch xảy ra, điều đáng lưu tâm nhất khi đưa tin, đó là câu chuyện về thân phận con người. Nhưng chọn góc tiếp cận nào để vừa đảm bảo tính ích lợi của thông tin mà không làm nhân lên những nỗi đau, vốn đã quá sức chịu đựng của các nhân vật? Đó, đơn thuần không chỉ là câu hỏi mà phải thực sự trở thành vấn đề đáng trăn trở, không chỉ của riêng phóng viên mà của các tòa soạn...
1. Cho rằng, báo chí phản ánh hiện thực khách quan, trong nhiều vụ án giết người, xâm hại tình dục... có tính chất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không ít tờ báo đã mô tả hành vi của hung thủ một cách chi tiết nhất, bất chấp man rợ ra sao. Điều ấy, đồng nghĩa với việc, nỗi đau của nạn nhân và thân nhân họ, thêm một lần bị xới lại. Với công chúng, những cái chết, dù tức tưởi, đau xót của người bị hại trong các vụ án, sẽ qua đi trong dòng chảy thông tin liên tục, bề bộn của đời sống. Nhưng với thân nhân của người bị hại, nỗi đau đớn sẽ còn ở lại, có khi là mãi mãi. Như vết thương, không bao giờ lành được. Huống chi, là báo chí nhắc lại.
Còn nhớ vụ cô gái ship gà bị giết bởi bàn tay tàn độc của những kẻ mặt người dạ thú ở Điện Biên, hầu hết tin bài trên báo chí về vụ án này không chỉ tiết lộ thân phận của nạn nhân mà còn mô tả rất cặn kẽ tội ác của nhóm hung thủ. Việc dẫn lại những hành vi tội ác trong các bài viết nếu không tiết chế được liều lượng sẽ vô tình làm nhân lên nỗi đau. Khi báo chí nhấn mạnh vào các hành vi của tội phạm theo kiểu đã “đâm thế nào”, “bóp cổ ra sao”, “đâm bao nhiêu nhát”... là khi với thân nhân của người bị hại, vết thương ngày cũ đau đớn trở lại. Báo chí càng sử dụng chiêu trò kích thích sự tò mò, tổn thương gây ra càng lớn.
Một tư liệu được Trường Đại học Washington trình chiếu tại Hội thảo “Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí - Việt Nam 2017” do Viện Dart Centrer về báo chí và chấn thương tâm lý (Trường Đại học Washington) tổ chức tại Hà Nội tháng 2/2018, cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà tại Australia, hiện tượng này cũng đã từng xảy ra. Thân nhân của nhiều người bị hại trong các vụ trọng án xảy ra ở Australia đã gọi báo chí là “kền kền” khi báo chí bủa vây họ, bắt họ kể đi kể lại nhiều lần về cái chết của người thân.Trong tất cả mọi trường hợp đưa tin, nỗi đau chưa bao giờ và không bao giờ được phép coi đó là hàng hóa và dù người làm báo có phải chịu bất kỳ áp lực nào khi đưa tin thì nhân vật cũng có quyền được tôn trọng. Chính vì thế, nhà báo cần phải đưa tin một cách có đạo đức, tôn trọng nhân vật và nhạy cảm với nỗi đau của họ.
Đành rằng, theo luật định, các tài liệu phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử phải thể hiện toàn bộ nội dung vụ việc phạm tội, bao gồm: toàn bộ các thông tin về nhân thân người phạm tội, người bị hại và nhân chứng cùng với thông tin chi tiết về hành vi phạm tội. Các nội dung này có giá trị định khung, định tội làm cơ sở cho việc lượng hình khi xử lý tội phạm. Chính vì vậy, kết luận điều tra của cơ quan Công an, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, hay bản án của Tòa án có thể thể hiện đầy đủ các nội dung thông tin về nhân thân người phạm tội (bao gồm cả gia đình, cha mẹ, vợ con, anh, chị em…), thông tin chi tiết về hành vi phạm tội (với những mô tả chi tiết về cách thức, thủ đoạn, về công cụ gây án, quá trình thủ ác, những vết thương, thậm chí những hình ảnh tại hiện trường…). Đối với người bị hại, dù ở lứa tuổi giới tính nào, thông tin trong hồ sơ của cơ quan chức năng cũng phải thể hiện đầy đủ thông tin về nhân thân, về mức độ bị xâm hại, thậm chí, có thể có ảnh chụp...
Tuy nhiên, việc chuyển tải từ những thông tin trong hồ sơ của các cơ quan chức năng sang thông điệp truyền thông để công chúng toàn xã hội được biết, không chỉ đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo, mà quan trọng hơn, là đạo đức nghề nghiệp và bộ lọc của tính nhân văn. Thế cho nên, từ sự kiện bản thể (nguyên mẫu trong thực tế) đến sự kiện nhận thức là quá trình người làm báo phát hiện, nhận thức dưới các góc độ để tìm kiếm các giá trị thông tin phục vụ công chúng.
2. Thực tiễn báo chí cho thấy, không chỉ đối với các vụ án hình sự mà cả trong các thảm họa, việc nhấn mạnh vào những chi tiết tang thương, trong nhiều trường hợp báo chí trở nên vô cảm. Những vụ cháy nổ nghiêm trọng, những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng... kiểu đưa tin như thế rất tiếc là vẫn còn tồn tại.
Trong số 55 tin bài về vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, Hà Nội (xảy ra ngày 1/11/2017) trên 3 tờ báo, vẫn có những bức ảnh chụp cận cảnh các nhân viên y tế đưa 13 thi thể bị chết trong đám cháy ra ngoài, hình ảnh người nhà nạn nhân đau đớn tại hiện trường, tại nhà tang lễ khi làm thủ tục nhận lại thi thể về an táng.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 13 người chết ở Gia Lai rạng sáng ngày 7/5/2017, một tờ báo điện tử xuất bản 7 tin, bài phản ánh thì 5 tin bài chỉ mô tả sự thảm khốc. 16 trong tổng số 22 bức ảnh kèm bài đều phản cảm khi chụp cận cảnh chiếc xe bị nạn nát vụn, hành khách bị thương ở trong bệnh viện với máu me và bông băng trắng toát, hàng loạt tử thi đắp chiếu ở hiện trường. Nhiều tít bài sử dụng từ ngữ gây sợ hãi như: “Hành trình của thần chết”, “Hiện trường kinh hoàng" , “Nhân chứng hoảng sợ", "Hành trình điên loạn xe tải đâm xe khách”. Trong khi đó, các vấn đề đặt ra từ nguyên nhân tai nạn nhằm mục đích phòng tránh những thảm họa tương tự thì cả hai tuyến bài trên hầu như không đề cập.
Mối quan hệ có tính ràng buộc giữa nhiệm vụ đưa tin và đạo đức nghề nghiệp khiến cho người làm báo đứng giữa lằn ranh đôi khi rất mong manh giữa sự hấp dẫn của thông tin và sự rùng rợn, phản cảm cũng của thông tin ấy với công chúng. Nhiều nghiên cứu về đạo đức nhà báo trong tác nghiệp báo chí đều cho rằng, nhà báo cùng với trách nhiệm đưa tin là trách nhiệm của con người trước số phận của những người khác. Vì thế, nhà báo nên biết khai thác như thế nào và dừng lại ở đâu.
Còn nhớ tuyến bài về vụ tai nạn thương tâm khiến một cháu nhỏ 8 tháng tuổi bị tử vong bởi sự tấn công hung hãn của con chó ngao nuôi nhốt tại nhà lần đầu tiên xảy ra tại Hà Nội năm 2018 trên một tờ báo điện tử. Đáng tiếc là, thay vì chọn góc nhìn cảnh báo hiện tượng mất an toàn trong nuôi nhốt các loài động vật hung dữ tại nhà, tờ báo đã cố ý chọn lọc và nhấn mạnh các chi tiết đau lòng. Thậm chí, để nhấn mạnh thêm sự man rợ của loài chó ngao và những cái chết thảm thương của con người do loài vật hung dữ này gây ra, báo chí còn tiếp tục khai thác thêm nhiều vụ tai nạn đau thương ở tận Trung Quốc và đăng những bức hình đầy máu me của nạn nhân, gây sợ hãi cho công chúng.
Một nhà nghiên cứu báo chí, khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi đã từng bất bình. Bởi, việc báo chí mô tả sự bất tương xứng giữa con người và con vật trong cuộc tấn công như: trong khi con chó "nặng 40 kg” thì cháu bé "chỉ nặng 10kg” và đưa chi tiết vết thương của cháu bé cũng như hành vi tấn công của con chó hung dữ, sẽ chẳng đem lại bất cứ giá trị nào cho công chúng mà chỉ làm đau thêm nỗi đau vốn quá lớn của gia đình nạn nhân.
Thế giới đã từng xảy ra nhiều thảm họa và báo chí cũng đã từng có những bài học nhân văn trong cách nhận biết và tuân thủ đâu là "giới hạn đỏ" trong thông tin về thảm họa. Theo Joe Hight và Frank Smyth (2018) trong cuốn “Tragedies & Journalists” thì từ 2 thảm họa xảy ra ở Mỹ - đó là vụ đánh bom xảy ra ở Hoklahoman ngày 19/4/1995 và vụ khủng bố 11/9/2011 đã khiến nhiều tòa soạn phải dần điều chỉnh lại cách tác nghiệp và chuyển tải thông tin. Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng mà các phóng viên cần cân nhắc khi đưa tin đó là về nạn nhân của thảm họa. Sau vụ đánh bom ở Hoklahoman làm chết 168 người và làm bị thương hơn 500 người, Joe Hight khi đó là Thư ký Tòa soạn của tờ The Hoklahoman yêu cầu phóng viên “lưu ý điểm quan trọng nhất trong thảm kịch là câu chuyện về con người”.
Theo tác giả, “cần phải tránh mô tả những chi tiết đẫm máu không cần thiết về cái chết của nạn nhân”. Chẳng hạn như sẽ tránh viết về “các phần thi thể nạn nhân vướng lủng lẳng trên cành cây”. Điều này, theo tác giả, không chỉ vì các nạn nhân mà còn vì công chúng. Bởi vậy mà theo ông, các phóng viên “hãy lùi lại và tự hỏi liệu những hình ảnh đó có cần thiết hay chỉ gây ra tổn thương không cần thiết cho người đọc” .
Không chỉ trong các vụ án hình sự, khi người bị hại bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm mà ngay cả trong những sự cố thiên tai, hỏa hoạn thì việc khai thác thông tin một cách thái quá của báo chí với các nạn nhân cũng là một biểu hiện thiếu nhân văn. Khi đưa tin về chiến dịch giải cứu đội bóng nhí của Thái Lan bị mắc kẹt trong hang tháng 7/2018 với sự tham gia của Hội đồng cứu hộ hang động Anh quốc (BCRC), theo tờ The Nation, Hội đồng báo chí Thái Lan khuyên các cơ quan truyền thông cần phải đặt các câu hỏi phỏng vấn thích hợp dựa trên các kiến thức về tâm lý và tâm thần học, tránh đào bới thông tin, tôn trọng quyền riêng tư để không ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của các nạn nhân cũng như gây tổn thương cho các thân nhân của họ.
Thừa nhận rằng, bản thân nội dung các vụ án đã có chứa đựng những tình tiết man rợ, trong các thảm họa đã có những hình ảnh đau thương nhưng việc thông tin giản đơn, tường thuật trần trụi các vụ án cũng như các vụ tai nạn đã khiến công chúng không nhận thấy lao động đích thực của nhà báo dựa trên sự tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp và đạo đức. Nỗi đau không thể và không bao giờ là hàng hóa để đếm view bằng sự sợ hãi, tổn thương. Điều này đi ngược lại mục tiêu phụng sự công chúng, bảo vệ quyền con người và những giá trị nhân văn cao cả mà báo chí hằng đeo đuổi.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dung-bien-noi-dau-thanh-hang-hoa-i696944/