Dũng cảm cứu dân trong lũ dữ

Nhận được tin báo của chính quyền địa phương về việc có 29 người dân sinh sống tại thôn Thanh niên lập nghiệp, dọc bờ sông Ia Lốp (xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc) đang bị cô lập bởi dòng nước lũ, đêm 8-8, dù mưa to gió lớn, nước lũ liên tục dâng cao nhưng lực lượng cứu hộ, cứu nạn Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 737 (Quân khu 5) không quản hiểm nguy, khẩn trương cơ động đến hiện trường, triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu nhân dân.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 9-8, đang túc trực, kiểm tra tình hình mưa lũ tại khu vực thôn Trung (xã Ia Lốp), nhận được điện thoại đề nghị hỗ trợ, ứng cứu của chính quyền địa phương, Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó đoàn trưởng Đoàn KTQP 737 và các thành viên tổ cứu hộ, cứu nạn kiêm nhiệm số 1 (Đội Sản xuất nông lâm 1, Đoàn KTQP 737) khẩn trương cơ động lực lượng, phương tiện đến khu vực bờ sông Ia Lốp, đoạn tiếp giáp địa bàn huyện Chư Prông (Gia Lai), điều khiển xuồng ngược dòng lũ dữ để tìm kiếm, sơ tán người dân đến nơi tránh trú an toàn. Sau gần 4 giờ vượt ghềnh, vượt thác, xuyên qua các vườn điều, rừng cây rậm rạp, bộ đội đã tiếp cận và đưa được 3 người trong gia đình anh Vương Văn Quyền về nơi tránh trú an toàn.

Nhìn vợ con ngủ ngon sau đêm trắng chống chọi với dòng lũ dữ, anh Quyền xúc động kể: “Gần 10 năm gắn bó với thôn Thanh niên lập nghiệp, chưa bao giờ tôi thấy nước lũ lên nhanh đến vậy. Nhà tôi ở lưng đồi, trước đây chưa bao giờ bị ngập, thế mà lần này, chỉ trong tích tắc, nước đã lên ngang cửa sổ. Vợ tôi mới sinh con được hai ngày, sức khỏe chưa ổn định nên chúng tôi không thể đội mưa, chạy lũ như các gia đình khác. Thật may, khi xảy ra tình huống, gia đình được bộ đội Đoàn KTQP 737 ứng cứu, đưa về nơi sơ tán. Những tài sản có giá trị trong nhà cũng được các anh gói buộc cẩn thận và chuyển lên trên đồi cao, không để nước lũ làm hư hỏng. Bộ đội chu đáo lắm, biết chúng tôi phải nhịn đói cả đêm nên trên xuồng cứu hộ, các anh không chỉ chuẩn bị phao cứu sinh, áo mưa mà có cả lương khô, mì ăn liền, cơm vắt, nước uống để mọi người lót dạ”.

Lực lượng cứu hộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 đưa gia đình anh Vương Văn Quyền từ vùng lũ đến nơi sơ tán.

Lực lượng cứu hộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 đưa gia đình anh Vương Văn Quyền từ vùng lũ đến nơi sơ tán.

Cả ngày lẫn đêm, dưới trời mưa tầm tã, những chuyến ca nô cứu hộ của Đoàn KTQP 737 cứ liên tục nối đuôi nhau ra vào tâm lũ. Vừa sơ tán bà con từ khu vực trũng thấp đến nơi an toàn, bộ đội vừa tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho hàng trăm người dân sinh sống trên đồi cao bị nước lũ cô lập. Trên các trục đường liên thôn, liên xã, những tấm biển cảnh báo nguy hiểm, hạn chế người dân qua lại cũng được bộ đội, công an, dân quân dựng lên rất kịp thời. Với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, sau một ngày đêm, bộ đội đã sơ tán được toàn bộ 29 người dân, thuộc 13 hộ gia đình đến khu vực an toàn. Quá trình cơ động, phát hiện hai trạm biến áp tại thôn Thanh niên lập nghiệp và thôn Trung có nguy cơ bị nước lũ nhấn chìm, lực lượng cứu hộ đã thông báo, đề nghị lực lượng chức năng tạm thời cắt điện, tránh nguy hiểm thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Có vườn cây cách nhà gần 20km nằm cạnh dòng sông, đi lại khó khăn nên mùa mưa, ông Nông Quang Lập (65 tuổi, người dân tộc Thái, trú tại xã Ia Lốp) thường ở lại trong căn nhà tạm để chăm sóc đàn vật nuôi và trông coi nương rẫy. Đêm ấy, nước lũ lên nhanh khiến ông không kịp trở tay, phải gỡ tôn, chui lên mái nhà chờ nước rút. Tuổi cao, sức yếu, bụng đói, người rét run vì lạnh, có lúc ông lịm đi nhưng với bản năng sinh tồn mãnh liệt, ông không cho phép mình bỏ cuộc. Sau gần nửa ngày kiên cường bám trụ trên mái nhà, ông được bộ đội phát hiện, sơ cứu, hồi sức và đưa về nơi sơ tán an toàn. Cách rẫy nhà ông Lập khoảng 2km, đêm ấy, bà Lương Thị Đeng, 85 tuổi, cũng được bộ đội tìm thấy và cứu sống an toàn.

Trực tiếp chỉ huy các lực lượng cứu hộ tại khu rẫy nhà ông Lập, Thiếu tá Lê Đức Hòa, Đội trưởng Đội Sản xuất nông lâm 1 cho biết: “Rẫy nhà ông Lập cách vị trí thả xuồng gần 3km, địa hình hiểm trở, phức tạp với nhiều gốc cây, đá tảng trong dòng nước. Tuy đã quan sát, dò đường rất kỹ, song trong quá trình cơ động, không ít lần ca nô của chúng tôi va phải đá ngầm. Trong nước lũ có rất nhiều dây leo, rác thải nên nhiều lần chân vịt bị mắc khiến thuyền mất lái, trôi tự do, nguy hiểm vô cùng. Khi cách lán tạm của ông Lập khoảng 150m, thấy nước quá lớn, nếu đưa ca nô lại gần có thể khiến căn lán bị sập, chúng tôi quyết định neo thuyền, cử người dùng áo phao bơi vào, dìu ông Lập ra ngoài. Xác định cứu dân là mệnh lệnh trái tim, khi bà con cần, dù hiểm nguy chúng tôi cũng không chùn bước”.

Chiều 10-8, lượng mưa trên khu vực xã biên giới Ia Lốp đã giảm dần, song nước lũ vẫn còn rất cao. Để bảo đảm an toàn, ngoài việc huy động tối đa quân số, tích cực tuần tra, kiểm soát địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân sinh sống dọc hai bên bờ sông đi sơ tán, Đoàn KTQP 737 và các lực lượng chức năng trên địa bàn còn tổ chức nhiều điểm chốt chặn, cảnh giới tại các khu vực trũng thấp, giúp bà con đi lại được an toàn, thuận tiện. Phát huy “4 tại chỗ”, hàng chục ca nô cứu hộ, với đầy đủ áo phao, phao bơi, xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế dự trữ của Đoàn KTQP 737 cũng được bố trí sẵn tại các khu vực có nguy cơ ngập úng cao để sẵn sàng ứng cứu nhân dân.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG - ĐỊNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dung-cam-cuu-dan-trong-lu-du-702428