Dùng cảm xúc để khám phá nội tâm
Khi nhận biết được trạng thái cảm xúc của bản thân, bạn mới có thể tìm cách để loại bỏ những xúc cảm đó ra khỏi tâm trí. Phớt lờ những cảm xúc tiêu cực sẽ khiến bạn căng thẳng.
![Học cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực để có một sức khỏe tinh thần lành mạnh. Ảnh minh họa: Y.K.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_119_51448778/f3b3437f76319f6fc620.jpg)
Học cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực để có một sức khỏe tinh thần lành mạnh. Ảnh minh họa: Y.K.
Việc thể hiện cảm xúc bằng lời nói thật sự không dễ dàng như những gì chúng ta nghĩ. Bởi cảm xúc là những trải nghiệm hoàn toàn nguyên vẹn và có liên quan mật thiết đến cảm giác của cơ thể. Vậy làm sao để chúng ta có thể giải thích về “những trải nghiệm mà bản thân cảm nhận được” bằng lời nói giống các giác quan của cơ thể như khứu giác, xúc giác và vị giác?
Để dễ hình dung ta lấy một ví dụ như khi nếm thử rượu vang hoặc thử mùi nước hoa, thật khó để có thể diễn tả chúng một cách chính xác nhất. Cho dù người khác đã sử dụng tất cả các từ ngữ chỉ cảm giác hoặc gắn nhãn chúng với các trải nghiệm quen thuộc “mùi vị giống như”, “mùi hương giống như” vẫn sẽ có những giới hạn khi cố gắng mô tả một cách chính xác mùi và vị của nó, trừ khi chúng ta trực tiếp trải nghiệm qua rồi. Ngôn ngữ của cảm xúc cũng tương tự vậy.
Vậy tại sao chúng ta lại bận tâm gọi tên cho những cảm xúc của mình dù gặp khó khăn trong việc diễn đạt chúng bằng ngôn ngữ? Bởi “cảm nhận là cảm xúc” nếu được khoác lên mình chiếc áo “ngôn ngữ của suy nghĩ”, nó sẽ chuyển thành lĩnh vực của tư duy. Cũng giống như ta đặt những cảm xúc phẫn nộ vào trong thùng chứa “tư duy” và chờ chúng dịu xuống, thay vì xua đuổi chúng ra khỏi tâm trí.
Nếu chúng ta dạy một đứa trẻ lên ba đang học nói gọi tên cảm xúc đó, chẳng hạn như “Con đang tức quá” thay vì dạy chúng la hét và ném đồ đạc, có thể thấy cơn giận của chúng sẽ dần dịu đi một cách đáng kể. Việc dạy một đứa trẻ đang nổi cơn thịnh nộ và giúp chúng gọi tên cảm xúc đó chính là việc dạy trẻ cách nhận biết và đọc được những cảm xúc đang dâng trào trong lòng. Cảm xúc có thể chờ đợi chúng ta.
Dù không thoải mái, nhưng việc mời gọi cảm xúc đến và cảm nhận chúng một cách trọn vẹn cũng giống như bạn đang nhận biết và gọi tên chúng, làm nền tảng để đọc được suy nghĩ của bản thân. Nếu không thể nghĩ ra từ ngữ để diễn tả cảm xúc thì hai phương pháp sau đây có thể giúp chúng ta trau dồi vốn từ của mình một cách hiệu quả.
Đầu tiên là tham khảo "từ điển cảm xúc" để tìm từ ngữ diễn đạt gần nhất với tâm trạng và đọc được cảm xúc của mình. Thay vì nghĩ về tình huống mà mình vướng vào và công kích bản thân hoặc người khác, trước tiên chúng ta hãy đọc cảm xúc của mình theo cách như vậy.
Chúng ta có thể làm phong phú thêm vốn từ vựng về cảm xúc của mình thông qua việc đọc sách. Chọn một tuyển tập thơ hoặc tiểu thuyết mà mình yêu thích rồi tìm những từ ngữ khác nhau mô tả cảm xúc, sau đó khoanh tròn vào chúng. Nếu có những từ ngữ cảm xúc lạ hoặc tinh tế, hãy thêm chúng vào từ điển từ ngữ cảm xúc của chính mình.
Phương pháp thứ hai là tập trung vào những cảm giác của cơ thể. Khi Ji-hyun lo lắng, tim cô ấy đập thình thịch, hơi thở trở nên gấp gáp và miệng thì khô khốc. Ngoài ra còn có các biểu hiện như cổ và vai trở nên cứng đờ ra và tay chân thì run lẩy bẩy.
Những cảm xúc như xấu hổ có phản ứng cơ thể phức tạp hơn và có thể được mô tả là cảm giác mọi con mắt đang đổ dồn vào mình, bản thân dần trở nên nhỏ bé hoặc co rúm lại và dễ bị tổn thương.
Vì mỗi người sẽ có những phản ứng cơ thể khác nhau, nên dù không thoải mái bạn cũng nên chỉ ra và cảm nhận chính xác những cảm giác mà bản thân cảm thấy có sự thay đổi ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Tiếp theo, tìm và gọi tên của cảm xúc đó “thì ra mình có cảm xúc như vậy”.
Có một trò chơi tên là năm giác quan dành cho trẻ em. Trò chơi vận dụng năm giác quan để học nhận biết mọi thứ xung quanh bằng việc nhìn, nghe, chạm, nếm và ngửi. Qua trải nghiệm thực tiễn, trẻ biết được rằng những quả có thịt màu xanh nhạt bên trong lớp vỏ màu tím, khi nhai có vị chua chua ngọt ngọt tan trong miệng, được gọi là “nho”.
Quá trình học ngôn ngữ cảm xúc thông qua cơ thể cũng tương tự như việc học ngôn ngữ qua các trải nghiệm thực tế. Kỹ năng nhận biết và thể hiện cảm xúc không thể học được trong ngày một ngày hai vì nó là cả một quá trình dài rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, giống như việc học một ngôn ngữ.
Tuy nhiên, mỗi ngày học từng chút một, như thể đang dạy ngôn ngữ cảm xúc cho đứa trẻ bên trong bị tổn thương của mình, dần dần chúng ta sẽ sớm nói được ngôn ngữ cảm xúc một cách trôi chảy.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-cam-xuc-de-kham-pha-noi-tam-post1530575.html