Dùng camera điều khiển từ xa, chuyên gia vô tình tìm thấy 'hoa biển' quý hiếm dài 2m dưới đáy Thái Bình Dương
Đoạn phim mà các nhà khoa học công bố cho thấy một 'bông hoa biển' với xúc tu khổng lồ đang lặng lẽ bắt mồi dưới đáy của Thái Bình Dương ở độ sâu 2.994m.
Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra một "bông hoa biển" kỳ lạ khi sử dụng camera điều khiển từ xa (ROV) thám hiểm dưới đáy Thái Bình Dương. Được biết, nhóm chuyên gia này thuộc tổ chức phi lợi nhuận Ocean Exploration Trust. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng tàu nghiên cứu Nautilus lái tới khu vực núi lửa ngầm chưa được khám phá ở gần đảo san hô Johnston, nằm ở phía tây Hawaii.
Chuyến thám hiểm tại đảo san hô Johnston diễn ra từ ngày 20/6 - 13/7/ 2022, chủ đề là nghiên cứu sự đa dạng sinh học trong vùng. Tổ chức Ocean Exploration Trust đã vận hành tàu Nautilus và đã phát trực tuyến nhiều chuyến lặn của ROV.
Trong chuyến nghiên cứu, ROV bất ngờ ghi lại hình ảnh của một sinh vật biển kỳ lạ ở độ sâu 2.994m. Nó có những xúc tu dài tới 40cm và một cuống dài tới 2m. Những xúc tu của nó nhìn như những cánh hoa có gai, nhìn nó trông rất giống một bông hoa đang trôi tự do. Sinh vật biển kỳ lạ này chính là một con bút biển. Nhưng, đây là lần đầu tiên nhóm chuyên gia nhìn thấy một con bút biển với hình dáng đặc biệt như vậy.
Một số chuyên gia cho rằng nó nhiều khả năng là một loài mới. Nhưng, có ý kiến lại cho rằng đây có thể là loài bút biển Solumbellula monocephalus. Loài này thường được tìm thấy ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Vì vậy, nhóm chuyên gia cho rằng họ đã phát hiện ra một loài mới.
Steve Auscavitch, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là nhà sinh vật học biển sâu tại Đại học Boston đã mô tả cảnh tượng này là vô cùng "hấp dẫn". Chia sẻ với Live Science, ông cho biết: "Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những thứ gì đó kỳ lạ tương tự. Khi gần kết thúc hành trình thám hiểm, chúng tôi tình cờ quan sát được hai con bút biển này. Nhưng máy quay chỉ ghi hình được một con. Con mà chúng tôi quay lại có kích thước còn lớn hơn cả ROV của chúng tôi."
Để chắc chắn về danh tính của loài bút biển này, Auscavitch cho biết, ông sẽ tìm kiếm thêm thông tin từ các nhà sinh vật biển khác. Dựa trên kích thước ấn tượng của con vật, Auscavitch phỏng đoán rằng nó khá già, tuy nhiên ông không thể đưa ra tuổi cụ thể. "Việc phân tích về mẫu vật này sẽ giúp các chuyên gia xác định xem đây là bút biển Solumbellula monocephalus đầu tiên ở Thái Bình Dương hay một loài mới trong vùng biển này", Auscavitch nói.
Bút biển thường có hình thân to, cao khoảng 40 cm, phân bố ở Bắc Đại Tây Dương, Vùng hoạt động của bút biển khá nhỏ, những xúc tu như san hô tạo thành một mạng lưới. Loài sinh vật này có một loạt các hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau. Chúng có vẻ đẹp mỹ miều, mềm mại, Con bút biển có thể phát sáng khi ta đụng vào nó. Chúng là những sinh vật rất nhạy cảm, có thể sống ở bất cứ nơi nào, có thể là trên cát hoặc đống đổ nát. Chúng thường sống trong môi trường khắc nghiệt nhất, hơn 600m dưới bề mặt biển. Các nhà khoa học ước tính bút biển có thể tồn tại hơn 100 năm.
Điều thú vị là khám phá của nhóm Steve Auscavitch diễn ra vài tháng sau khi các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đặt tên cho hai loài bút biển mới là: Pseudumbellula. và Solumbellula. Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Invertebrate Systematics.
Nguồn: Live Science.