Đừng chê chúng tôi hát bài hát cũ!

Ca hát đã giúp tôi yêu đời hơn. Vượt qua bao gian nguy vất vả để mãi mãi là tuổi 20. Ngày thống nhất non sông. Sẵn có những ca khúc như: Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui… càng tạo cho tâm hồn vui sướng, reo mừng cùng tổ quốc 'Như có Bác trong ngày vui đại thắng'.

Thuở còn thơ, nghe những câu Kiều, câu vè mẹ ru, tôi đã yêu thích ca hát. Thời kỳ chống Pháp, quê tôi vốn là vùng tự do, cha mẹ và quê hương nuôi tôi lớn lên trong nghèo nàn về vật chất, nhưng giàu âm sắc thanh bình. Từ tiếng chim kêu vượn hót, tiếng suối róc rách buổi bình mình, hay mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Ở đây có các chú bộ đội về an dưỡng, hát cho tôi nghe những ca khúc Tổ quốc gắn liền với nhịp sông quê hương. Hòa vào máu thịt những giai điệu, bước đi nhịp hai bốn. Quyến rũ tôi cùng hát, cùng múa với các chú bộ đội. Gieo vào lòng tôi tình yêu quê hương tổ quốc tha thiết. Lại có bài hát múa tập thể có lời ca: “Yêu hòa bình tổ quốc chúng ta/Yêu ruộng vườn, quê hương ngàn đời./Toàn dân đoàn kết/ Bước hiên ngang lòng vang câu ca….”

Lớn dần cùng thời gian và các anh bộ đội. Tôi đã hát được những bài như: “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”, “Bộ đội về làng”, “Dấu chân người lính”…

Thậm chí còn hát được những điệu dân ca như hát văn, hát ví, hát chèo, xẩm xoan… Cả những bài hát của nước ngoài như Hoa Chăm Pa (Lào), Ca-Chiu-Sa (Nga) , Cha cha cha (của Cu Ba)…đã dịch ra tiếng Việt.

Ở miền Bắc, được mấy năm sống có hòa bình sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nền ca nhạc được phổ biến rộng rãi. Nhưng nửa nước Việt Nam còn dưới ách lầm than của thực dân và đế quốc. Phong trào ca hát được phát động cho toàn dân. Nhưng hướng tư tưởng cho việc chuẩn bị tham gia chiến tranh yêu nước, đánh đuổi giặc xâm lược như bài: (trước ngày hội bắn, kèn chiến thắng của bộ đội hải quân …) vì miền Nam ruột thịt.

Năm 1964 cuộc chiến chống Mỹ bùng nổ, cả nước căm thù giặc ngút trời. Tôi xung phong nhập ngũ, sau những giờ huấn luyện chiến đấu căng thẳng. Tôi đã hát để quên đi sự nhọc nhằn; Quên đi nổi nhớ quê hương bạn bè cha mẹ…Càng say sưa hát: Tôi tự tạo cho mình thói quen, sữa chữa âm sắc, về trường độ, luyến láy cho đúng nhịp. Luôn giữ sức khỏe để biểu diễn và hát cho (tròn vành rõ chữ) nghĩa là cố gắng cho đẹp, cho hay.

Hát mẫu những bài hát bắt buộc mỗi chiến sỹ phải thuộc, như ca khúc: Vì nhân dân quên mình, Anh vẫn hành quân, Tiến bước dưới quân kỳ… Ca hát càng trở nên rộn ràng. Đúng nghĩa: “tiếng hát át tiếng bom” trong thời kỳ ác liệt của chiến tranh chống Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ của người lính.

Từ đam mê ca hát, tôi đã thuộc và hát được hàng trăm bài ca. Tiếng hát có thể kéo dài cùng đất nước, bởi tôi thuộc ít nhất mỗi tỉnh mỗi bài, từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau và nhiều chủ đề khác nhau như với Trường Sơn, với biển đảo và cả hậu phương lớn. Bởi vậy, trong sinh hoạt ca hát tôi thường được người nghe yêu mến. Sự cần mẫn, yêu thích càng tự nhiên giúp tôi có giọng Tenô như nghệ sỹ hát ở các đoàn văn công đến phục vụ, cao vút. Tôi đã được cùng hát hòa âm với họ ở các bài “Hành khúc giải phóng” hay “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”

Khi chốt giữ, trong lòng công sự chợ địch. Tôi cũng đã hát để quên đi sự căng thẳng sợ hãi. Lúc ấy, tôi lại hát những bài hát về hậu phương yêu dấu như: “Tiễn anh lên đường”, “Đường cày đảm đang”…. Có lần, nghe tôi hát, đồng đội cùng hầm đã xúc động vì thương nhớ vợ con và người yêu ở quê nhà mà sẵn sàng xông lên giết giặc.

Ở xã Gio An, Quảng Trị đầu năm 1967. Đồng đội hy sinh tổn thất nhiều. Số sống sót: ba lô súng đạn, áo quần còn dính đầy máu và đất đỏ ba gian. Chưa kịp tắm giặt: Được lệnh xem văn công của tổng cục chính trị đến phục vụ tại chiến trường. Chúng tôi được nghe các bài hát ca ngợi trận chiến đấu của đơn vị mình, của chính những việc làm mình vừa trải qua. Tất cả chúng tôi thầm khóc. Nhạc sỹ Huy Thục thấy có sự xúc động kỳ lạ, Anh đã nán lại sân khấu nói:” Chiến công là của các đồng chí, chúng tôi chỉ chắp những nốt nhạc cho thành bài ca”. Đó là những bài như: “Tiếng đàn Ta lư:, “Ơi dòng suối La La”, “Người con gái Pa - ko”, “Quân reo quê mẹ - Quảng Trị anh hùng”….Sau này các bài hát đó được phổ biến và đi cùng năm tháng để sống mãi với non sông.

Những lần được đóng quân trong dân hoặc gần các đơn vị TNXP, công nông trường, xí nghiệp. Vào những dịp tết. Đơn vị tổ chức vui liên hoan, văn nghệ; Kết nghĩa quân dân. Ca hát đã không thể thiếu những giọng hát (cây nhà, lá vườn). Khi hái hoa dân chủ, bắt thăm được bài gì cũng không lúng túng. Khi hát diễn viên tự chủ, phải tự nhiên, bình tĩnh sáng tạo, làm sao trút hết những gì tươi đẹp trong tâm hồn cho khán giả thưởng thức được mọi người yêu quý.

Ngược lại, khi làm khán giả, tôi thấy diễn viên tươi đẹp, đang hướng về mình. Mình càng yêu quý diễn viên. Hát xong, được tặng một bông hoa, một cái bắt tay, mặt rạng rỡ chúc mừng thành công là vui lắm.

Ca hát đã giúp tôi yêu đời hơn. Vượt qua bao gian nguy vất vả để mãi mãi là tuổi 20. Ngày thống nhất non sông. Sẵn có những ca khúc như: Tiến về Sài Gòn, Đất nước trọn niềm vui… càng tạo cho tâm hồn vui sướng, reo mừng cùng tổ quốc “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Hay trong bài “Đường chúng ta đi” có câu: “Ta chưa về khi tổ quốc chưa yên” làm tôi nhớ những ngày đầu vào bộ đội, nhiều bài hát đã nhắc đi nhắc lại: “Đâu có giặc là ta cứ đi”.

Ngày nay, tôi đã ngoài tuổi 70 dù mang thương tật đầy mình, dù không được đào tạo gì về ca hát, chưa ai tặng tôi 2 từ (ca sỹ), nhưng tôi vẫn luôn hát những bài hát của nhân dân, bởi nó đi từ máu thịt. Xin đừng ai chê tôi hát những bài hát cũ. Bởi ở đó có chân trời chúng tôi đã đi qua.

Theo Trái tim người lính

Đặng Sĩ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dung-che-chung-toi-hat-bai-hat-cu-a2516.html