Thuroczy Karolina My Lan - thiếu nữ gốc Việt kể chuyện kiến trúc Việt ở trời Âu

Luận án của Thuroczy Karolina My Lan có tên 'Ngôi nhà của hành trình hơn năm nghìn dặm' được gợi ý từ hành trình phát triển của gia đình em và sự hòa hợp, giao thoa văn hóa trong kiến trúc Việt - Hung.

“Suốt mấy chục năm khi cố gắng đưa những nét Việt vào nội thất ngôi nhà mình ở Budapest với mong muốn chồng con sẽ hiểu thêm, yêu thêm quê hương Việt Nam, chẳng bao giờ mình nghĩ những điều đó sẽ trở thành đề tài luận án tốt nghiệp thạc sĩ của con gái, là một trong 5 luận án xuất sắc nhất của khóa được chọn in vào Kỷ yếu của trường ĐH được xếp hạng số 1 trên thế giới năm 2023, 2024 về đào tạo kiến trúc sư - The Bartlett (UCL, Vương quốc Anh)".

Đấy là lời tâm sự của chị Phan Bích Thiện, người Việt hiện sống ở Hungary khi kể lại với bạn bè câu chuyện về con gái Thuroczy Karolina My Lan.

Thuroczy Karolina My Lan bên phần trưng bày Luận án tốt nghiệp của mình trong triển lãm tại trường The Bartlett (UCL, Anh).

Thuroczy Karolina My Lan bên phần trưng bày Luận án tốt nghiệp của mình trong triển lãm tại trường The Bartlett (UCL, Anh).

Chị Thiện hiện là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu. Lịch trình công việc kinh doanh cá nhân và những hoạt động hội đoàn dày đặc này, không những không làm khó, mà còn là một trong những động lực rất lớn để chị dạy hai cô con gái giỏi giang dung hòa, hấp thu những điều hay cái đẹp từ cả hai nguồn cội Hungary và Việt Nam.

Chị Thiện kể: “Khi con gái chọn đề tài làm luận án tốt nghiệp có tư vấn với giáo sư hướng dẫn về ba hướng con đang suy nghĩ, trong đó có ý tưởng về sự kết hợp giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Châu Âu trong thiết kế thì giáo sư cực kỳ ủng hộ và khuyến khích ý tưởng này".

Nhớ hồi đó My Lan gọi điện bảo: "Mẹ ơi con muốn trò chuyện với mẹ khoảng 2 tiếng. Con sẽ ghi âm lại mẹ nhé". Thế rồi mẹ con nói đủ thứ chuyện, hành trình 5000 dặm từ Việt Nam của mẹ, những phong tục tập quán của người Việt khi xây nhà, trang trí nội thất, rồi động lực nào và vì sao mà mẹ tham gia tích cực các công việc xã hội, giữ gìn các phong tục tập quán, quảng bá về Việt Nam...

Nay sang dự Triển lãm của trường Bartlett mới biết cuộc phỏng vấn đó được con đưa vào phụ lục của luận án và tất cả các giáo sư, thầy cô giáo, sinh viên, người đến dự đều đọc được. Tất cả những gì mình tâm sự rất thật con đều ghi ra hết. Từ chuyện hồi tốt nghiệp đại học vì kinh tế Việt Nam rất khó khăn nên hầu hết các sinh viên Việt Nam đều muốn ở lại Châu Âu để kiếm tiền, cho đến việc mình luôn cố gắng quảng bá cho Việt Nam bởi vì mặc dù sống ở Hungary nhưng mình luôn nghĩ mình vẫn là người Việt Nam và chúng ta không được quên nơi chúng ta sinh ra.

Con có hỏi hồi xưa thế hệ ông bà ngoại phấn đấu vì mục đích gì, mình trả lời thế hệ các ông bà chiến đấu vì lý tưởng giành độc lập cho đất nước. Con hỏi tiếp: "Thế bây giờ Việt Nam độc lập rồi thì người Việt Nam phấn đấu vì điều gì?". Mình nói: "Ngày nay người Việt Nam cố gắng phấn đấu để có vị thế trên thế giới"...

Không nghĩ là tất cả tâm tình con đều đưa vào phụ lục. Nếu biết trước là cả trường Bartlett sẽ đọc được những điều này thì có khi hôm đó cố gắng nói văn vẻ hơn".

Trưng bày công trình của Thuroczy Karolina My Lan - những ý tưởng được hình thành qua hành trình của người mẹ, đi từ ngôi nhà thân thương của bà ngoại em (cách Hungary 5000 dặm), đến và xây dựng tổ ấm gia đình đa văn hóa tại Hungary. Bàn thờ gia tiên (Việt Nam) và lò sưởi (Châu Âu) như trái tim trong kiến trúc ngôi nhà.

Trưng bày công trình của Thuroczy Karolina My Lan - những ý tưởng được hình thành qua hành trình của người mẹ, đi từ ngôi nhà thân thương của bà ngoại em (cách Hungary 5000 dặm), đến và xây dựng tổ ấm gia đình đa văn hóa tại Hungary. Bàn thờ gia tiên (Việt Nam) và lò sưởi (Châu Âu) như trái tim trong kiến trúc ngôi nhà.

Luận án của Thuroczy Karolina My Lan có tên "Ngôi nhà của hành trình hơn năm nghìn dặm" được chọn là một trong 5 luận án được thuyết trình tại triển lãm. Chị Thiện nói: “Chẳng bao giờ nghĩ là bức ảnh phòng làm việc của mình với bàn thờ chạm trổ Đồng Kỵ và lò sưởi ốp gạch men Zsolnay của Hungary lại sẽ có mặt trong cuốn sách Kỷ yếu của trường ĐH Bartlett. Thật xúc động khi thấy con phân tích tỉ mỉ những kết hợp của nội thất Á, Âu trong ngôi nhà của gia đình mình, nghiên cứu kỹ quá trình thay đổi và phát triển nhà ở tại Việt Nam mà trong đó lấy ví dụ cụ thể là ngôi nhà của bà ngoại từ khi mình sinh ra cho đến hôm nay".

Trên các cơ sở đó và sự thay đổi của thời đại, Thuroczy Karolina My La đã thiết kế một ngôi nhà đặc trưng cho sự đa văn hóa của những người sống trong đó phù hợp với thế giới phẳng hiện nay.

Gia đình Thuroczy Karolina My Lan.

Gia đình Thuroczy Karolina My Lan.

Sinh ra và lớn lên ở Budapest, có bố là người Hung, nhưng My Lan nói và viết tốt tiếng Việt từ thuở nhỏ, do mẹ cô dạy từ thuở nằm nôi. Và việc biết tiếng Việt không chỉ giúp cô gái gắn bó hơn với nguồn cội, mà còn một phần là cơ sở giúp cô gái nhỏ sử dụng tốt 4 thứ tiếng sau này.

Lần đầu tiên gặp phóng viên VOV, ngày đó cô bé Thuroczy Karolina My Lan mới chừng 5-6 tuổi, đã hào hứng khoe câu chuyện Tết trung thu năm trước, mẹ đóng vai chị Hằng Nga dắt cô bé đóng vai Thỏ Ngọc trong đêm Trung thu của cộng đồng, tặng quà cho các bạn.

Khi đó, My Lan cũng chưa hiểu hết được sức gánh vác của mẹ mình, nhưng đã rất hào hứng khi có những câu chuyện để hình dung về quê ngoại. Người mẹ trẻ Phan Bích Thiện lúc ấy đã là Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, vừa năng nổ tham gia các hoạt động cộng đồng, vừa cùng chồng gánh vác việc kinh doanh, vừa mua và sửa chữa lại Khách sạn Lâu đài Fried từ đống đổ nát thành khách sạn nhiều năm vào top điểm đến tốt nhất Hungary, vừa nuôi con nhỏ. Bận rộn đến mấy, hàng ngày chị Thiện đều dành những giờ nhất định dạy tiếng Việt cho hai con gái, đọc truyện cổ tích, truyện lịch sử Việt Nam cho con nghe, kể chuyện về quê ngoại, dạy con về các ngày lễ Tết Việt, dạy con từng món ăn ngày lễ của người Việt, hằng năm dành thời gian đưa con về quê thăm bà ngoại, thăm họ hàng, rồi đi thăm thú tìm hiểu khắp Việt Nam. Có lẽ chính chị Thiện cũng không nghĩ rằng, sự gần gũi với các con đã giúp các cô con gái nhạy cảm sớm hiểu và chia sẻ với những tư tưởng của mình.

Thuở học sinh ở Hungary, My Lan và em gái Ly Anh đều từng là thành viên đội tuyển bơi nghệ thuật quốc gia Hungary, đoạt nhiều huy chương danh giá từ bơi lội. My Lan cũng là học sinh gốc Việt đầu tiên và trong số ít những học sinh Hungary đã hai lần nhận được giải thưởng "Học sinh xuất sắc, vận động viên xuất sắc Cộng hòa Hungary" năm 2012 và 2014. Đây là giải thưởng lớn thường niên của Chính phủ Hungary dành cho học sinh từ lớp 6 cho tới sinh viên đại học có thành tích xuất sắc trong học tập và thể thao.

Cô bé cũng từng đoạt giải ba trong cuộc thi toán đồng đội Bolyai, giải nhì toàn quốc trong cuộc thi sáng kiến dành cho học sinh lớp 6, đoạt giải nhất cuộc thi Tìm kiếm tài năng tổng hợp các môn khoa học tự nhiên Hungary năm 2013.

My Lan và cô giáo hướng dẫn - Giáo sư Guang Yu Ren.

My Lan và cô giáo hướng dẫn - Giáo sư Guang Yu Ren.

Tại buổi triển lãm trong Lễ tốt nghiệp Đại học của My Lan, gặp Giáo sư Guang Yu Ren - cô giáo hướng dẫn của con, người Anh gốc Hồng Kông, chị Thiện cám ơn bà đã khuyến khích con làm luận án về đề tài này.

Chị kể: "Thật vui khi thấy bà nói: Tôi rất mừng được gặp bà vì những điều bà và gia đình làm thực sự ấn tượng và vô cùng cần thiết cho sự hòa đồng của các nền văn hóa".

Chợt nghĩ khi mình cứ làm mọi điều tự nhiên từ tâm của mình, từ tình cảm yêu quê hương của mình, từ mong muốn chồng, con, bạn bè nước ngoài sẽ yêu thích Việt Nam, chẳng cần đao to búa lớn hay những lời hoa mỹ hùng hồn mà từ những việc rất bình dị đời thường, bền bỉ hàng ngày thì sự thấm sâu và sức lan tỏa lại vô cùng lớn".

Việt Anh/VOV5

Nguồn VOV: https://vov.vn/nguoi-viet/thuroczy-karolina-my-lan-thieu-nu-goc-viet-ke-chuyen-kien-truc-viet-o-troi-au-post1106055.vov