Đừng 'chém gió' tỷ USD, hãy nhìn gánh hàng rong, bà bán xôi trên vỉa hè
Nói về khởi nghiệp ai cũng nghĩ tới điều lớn lao nhưng triết lý để thành công lại từ những câu chuyện quanh vỉa hè, con phố.
Ý tưởng chẳng đâu xa, mà có thể từ vỉa hè
Năm 2015, trước thềm buổi gặp gỡ với các startup, CEO Google Sundar Pichai có cuộc nói chuyện thân mật với Nguyễn Hà Đông - cha đẻ của game Flappy Bird. Buổi nói chuyện này diễn ra tại một quán trà chanh vỉa hè, kéo dài khoảng 30 phút.
CEO Google khẳng định, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng, đồng thời nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế. Vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam là biết nắm bắt cơ hội và liên tục phải làm mới mình.
Ngoài ra, trong suốt một tiếng đồng hồ trò chuyện với các startup Việt Nam, vị CEO Google cũng nhấn mạnh: Con đường để đi tới thành công gần nhất chính là việc tập trung vào thị trường nội địa, bởi chỉ có làm chủ được sân chơi trong nước, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể vươn tới thị trường quốc tế.
Chẳng đâu xa, vỉa hè là một thiên đường cho các ý tưởng. Nói về "kinh tế vỉa hè", ông Saul Singer, tác giả của cuốn Quốc gia khởi nghiệp, trong một chuyến thăm TP.HCM đã từng trả lời phỏng vấn: "... một ấn tượng khác quan trọng hơn, đó là việc toàn bộ nơi này (TP.HCM) tràn ngập bầu không khí doanh nghiệp".
“Tôi chưa nói về chủ đề startup, mà tôi chỉ đang nói về cách mà gần như mọi người dân nơi đây đều hầu như đang tham gia vào một loại hình kinh doanh nào đó, trên mọi vỉa hè, mọi ngóc ngách, mọi cung đường... ”, ông nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh từng đảm nhiệm vị trí CEO Grab Việt Nam, chia sẻ: “Năm 2015, tôi nhìn dòng xe máy nối đuôi nhau mỗi ngày tiến vào trung tâm thành phố, khoảng một nửa số xe đó trống phía sau. Một người sử dụng một xe máy là quá phí phạm và gây kẹt xe. Tôi thầm nghĩ, mình làm được GrabCar, sao mình không làm luôn đối với xe máy? Vậy là Grabbike ra đời từ ý tưởng của tôi".
Các cộng sự xúc tiến rất nhanh. Grabbike được đón nhận nồng nhiệt và phát triển ngoài dự kiến. Hầu như ai cũng sở hữu một chiếc xe máy, chỉ cần muốn kiếm tiền là họ có thể trở thành tài xế Grabbike. Đặc biệt, đó là cơ hội việc làm tuyệt vời cho những sinh viên muốn làm thêm hay những người thất nghiệp mà có xe máy trong tay.
Các tài xế xe ôm truyền thống cũng tham gia Grabbike rất nhiều. Bởi đơn giản, họ có được nhiều “cuốc” xe hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Chỉ hơn một năm ra đời, Grabbike đã có hàng chục ngàn người tham gia làm tài xế, tính ở Sài Gòn và Hà Nội.
Còn với Nguyễn Hoàng Trung - nhà sáng lập & CEO Lozi, vỉa hè là nơi tập hợp những hàng quán và đồ ăn. Trung đã có ý tưởng về một nền tảng nhà hàng và thực phẩm - nơi mọi người có thể dễ dàng tìm thấy các địa điểm ăn uống thông qua hệ thống trực tuyến. Theo Trung, đó là "thời cơ", bởi tại Việt Nam, thời điểm đó chưa có một phần mềm, ứng dụng nào như vậy.
Lozi, một nền tảng đánh giá nhà hàng, quán ăn và thực phẩm ra đời và sau này là Loship, một công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng trong vòng 1 giờ. “Khi vận hành Lozi, chúng tôi nhận thấy sự ra đời sau này của Loship là điều tất yếu. Nó giống như việc startup của bạn phải luôn tiến lên, nâng cấp bản thân thay vì dậm chân tại chỗ”, Trung nói.
Trung cho biết thêm, khi mới bắt đầu khởi nghiệp, phần lớn các nhà sáng lập sẽ tập trung vào sản phẩm tốt, và tin rằng khách hàng sẽ tự tìm đến. Tuy nhiên, quan điểm này hiện nay đã khá lạc hậu. Thực tế cho thấy, bạn cần hiểu khách hàng trước, và sau đó mới là tạo ra một sản phẩm giải quyết vấn đề của họ.
Trung cho hay, startup là luôn sẵn sàng thích nghi và thay đổi. Bạn sẽ vạch ra một mục tiêu, sau đó nắm bắt, quan sát thị trường và đưa ra những quyết định nhanh chóng khi cần. Lời khuyên cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp đó là hãy chăm chỉ. Bạn sẽ phải làm việc 24/7 mà không có một ngày nghỉ để startup bứt phá. Sự thật phũ phàng là ngay khi bạn tính đến chuyện nghỉ ngơi, thì đối thủ đã bỏ xa bạn tiến về đích.
Vận dụng triết lý ‘bà bán xôi’
Với Nguyễn Hữu Ân - Quán quân Vietnam Startup Wheel 2018, khởi nghiệp không hề dễ dàng. Ân cho hay: "Trước kia có giai đoạn tôi thường nghĩ khởi nghiệp là phải có ý tưởng tốt, thu hút được nhiều người dùng, gọi được nhiều vốn...
Nhưng bây giờ, tư duy của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Đối với tôi, "khởi nghiệp" hay "lập nghiệp" cuối cùng vẫn là cung cấp giải pháp/dịch vụ/sản phẩm tốt cho khách hàng; trả đủ lương, tạo phúc lợi tốt cho nhân viên; đem về lợi nhuận và phát triển được công ty".
Khi startup quá tập trung vào việc "đốt tiền" để thu hút users (người dùng) và chiếm thị phần mà quên mất việc quan trọng hơn phải làm là kiếm tiền, sẽ dễ dẫn tới việc mất cân đối tài chính và lại phải tiếp tục gọi vốn để đốt tiền. Một startup chỉ giỏi "đốt tiền" mà không giỏi "kiếm tiền" thì chẳng khác gì một "con nghiện", với "con nghiện" nhà cửa có bao nhiêu bán sạch, còn với start up thì có bao nhiêu cổ phần cũng phải bán bớt qua mỗi lần gọi vốn.
Ân cho hay, bản thân các startup chỉ giỏi đốt tiền mà không giỏi kiếm tiền cũng rất mong manh trước Covid, vì khi startup đó đốt hết cục tiền gọi vốn vòng trước, họ thường nghĩ sẽ gọi được vốn vòng tiếp theo. Nhưng với sự xuất hiện của Covid thì việc gọi vốn cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và khi việc gọi vốn không đúng dự định thì startup rất dễ chết, vì chỉ đơn giản trả tiền lương nhân viên chậm 1 ngày là doanh nghiệp đó sang tháng sau dễ phải đóng cửa rồi.
"Bản thân tôi thấy có nhiều startup thậm chí thua cả bà bán xôi trước nhà. Bà bán xôi đơn giản bỏ ra 10 đồng tiền vốn làm xôi, buổi sáng bán xong mang về 11 đồng là lời, có vốn để ngày hôm sau làm xôi bán tiếp và có tiền tiết kiệm. Nhiều startup trước dịch tôi thấy tháng nào cũng lỗ, dịch tới thì hoặc lao đao, hoặc phá sản, nhiều startup còn mất tích sau dịch, startup nào may mắn thì gọi tiếp được vốn nhưng cũng phải hi sinh cổ phần giá rẻ.
Còn bà bán xôi tôi thấy vẫn đứng vững suốt mùa dịch, lúc nào cũng cười tươi vì thậm chí bán hàng còn đắt khách hơn, cũng chẳng thấy bà phải đi gọi vốn bao giờ. Tôi nghĩ bí quyết ở đây là xôi bà ngon và dòng tiền của bà ngày nào cũng dương", Ân nhìn nhận.
Bài học từ gánh hàng rong
Shaun Rein - nhà sáng lập Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc đồng thời là một chuyên gia marketing chiến lược - chia sẻ trên Tạp chí Forbes về người mà anh nể phục không phải là doanh nhân, ngôi sao mà chính là ông Wang, một người bán hàng rong.
Bài học thứ nhất, dù làm gì bạn cũng phải đặt mục tiêu lớn để thúc đẩy bản thân. Mục tiêu của Wang là kiếm đủ tiền cho con trai vào đại học. Khi đối mặt với khó khăn, Wang luôn nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ mục tiêu này.
Mục tiêu nảy sinh động lực. Mục tiêu càng lớn thì động lực càng lớn. Thứ duy nhất có thể ngăn cản bạn dừng thực hiện ước mơ chỉ là bản thân bạn nếu như bạn không thúc đẩy chính mình. Đừng để người khác nói với bạn rằng: “Bạn không thể làm được việc này đâu” và ngừng cố gắng.
Bài học từ hai, bạn phải làm việc thực sự chăm chỉ. Wang thường thức dậy từ 5 giờ sáng, sau đó làm việc chăm chỉ mỗi ngày. “Tôi biết có rất nhiều tỷ phú, ông chủ của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới không có cả thời gian đi nghỉ hè cùng gia đình vì họ luôn bận rộn với việc làm sao cho công ty dẫn đầu. Trên đời thứ gì đáng giá cũng đều phải đánh đổi!”, ông nói.
Bài học thứ ba mà anh bán hàng rong dạy bạn là luôn phải kính trọng khách hàng của mình. Dù khách hàng là một cậu học sinh tiểu học hay một thương gia, Wang đều nở nụ cười và ghi nhớ khẩu vị của từng người. Rất nhiều khách hàng của anh ăn ở đây 3 đến 4 lần mỗi tuần.
Trong kinh doanh cũng vậy, bạn cần phải nhớ rằng khách hàng là người trả tiền cho bạn. Vì thế, phục vụ tốt cho khách hàng, kính trọng họ và bạn sẽ nhận lại được doanh thu lớn.
Có thể nói những điều đơn giản trong cuộc sống đều có thể tạo cảm hứng cho những người trẻ khởi nghiệp, điều quan trọng là họ có dám vượt những rào cản để tìm cơ hội hay không.