Đừng chỉ khen động viên U17 Việt Nam

Giấc mơ World Cup đã tuột khỏi tầm tay U17 Việt Nam đã khép lại với rất nhiều chữ 'giá như'...

 U17 Việt Nam đã chơi nỗ lực ở cả 3 trận. Ảnh: VFF.

U17 Việt Nam đã chơi nỗ lực ở cả 3 trận. Ảnh: VFF.

Giá như Trần Gia Bảo không phạm lỗi dẫn đến pha đá phạt nguy hiểm. Giá như U17 Việt Nam tận dụng tốt hơn những pha phản công trong hiệp 2. Giá như ở những phút cuối cùng, học trò ông Cristiano Roland không nhường thế trận…

Nghiêm túc nhìn nhận, hành trình của U17 Việt Nam là tập hợp của những lần vay - trả. Chúng ta đã vay vận may, khi U17 Australia sút dội khung gỗ của Hoa Xuân Tín tới 3 lần trong trận ra quân, khi U17 Nhật Bản tạo ra hàng tá cơ hội nhưng không tận dụng được ở lượt hai. Để rồi, U17 Việt Nam phải trả lại những gì đã nhận theo cách khắc nghiệt nhất.

Đó là bóng đá. Không có chữ “nếu”, cũng không phải cứ tiệm cận là chuẩn bị chạm đến. U17 Việt Nam đã thi đấu rất nỗ lực ở bảng đấu khó, và dù giấc mơ World Cup trôi khỏi tầm tay, hành trình thầy trò Roland trải qua không hề vô nghĩa.

Lê Huy Việt Anh cùng đồng đội được đến, được nếm trải cảm giác cay đắng, để nhận ra bóng đá đỉnh cao luôn khắc nghiệt. Đó là cú vấp mà ngay từ đầu chặng đường, HLV Roland khẳng định “không phải cứ muốn là có”. U17 Việt Nam cần những trải nghiệm này để cứng cỏi và mạnh mẽ hơn.

 Điểm đáng khen của U17 Việt Nam là lối chơi kỷ luật và chặt chẽ. Ảnh minh họa: Bảo Ngọc.

Điểm đáng khen của U17 Việt Nam là lối chơi kỷ luật và chặt chẽ. Ảnh minh họa: Bảo Ngọc.

Nỗ lực đáng khen

U17 Việt Nam trở thành đội đặc biệt nhất ở giải U17 châu Á 2025, khi bị loại dù không thua trận nào. Các đội bóng bất bại đều đi tiếp, trừ thầy trò HLV Roland. Bởi chúng ta không thua, nhưng cũng… không thắng. Trong khi đó, cả 3 đối thủ chung bảng đều từng thua, song cũng đã thắng 1 trận. Như vậy là đủ!

Bóng đá thế giới từng tranh cãi mạnh mẽ, rằng nên tính bao nhiêu điểm cho một trận hòa. Trước đây, mỗi trận hòa được tính 2 điểm. Còn giờ chỉ là 1 điểm. Tức là hòa 3 trận mới bằng thắng 1 trận.

Lý do? Hòa luôn dễ hơn nhiều so với thắng. Hai đội luôn bước vào trận đấu với tỷ số hòa, với sẵn 1 điểm trong tay. Để hòa, chỉ cần đá để “duy trì”. Nhưng để thắng, phải đá để “giành lấy”. Giá trị của một chiến thắng lớn gấp bội so với một trận hòa.

Khoảng cách từ thua đến hòa thường ngắn, còn khoảng cách giữa hòa đến thắng lại rất dài. Bởi nó đòi hỏi sự quyết tâm, khát khao, khả năng tổ chức lối chơi trên khía cạnh tập thể, cũng như sức mạnh, tốc độ và sự khéo léo trên khía cạnh cá nhân. Các đội yếu luôn cầu hòa, còn muốn vươn thành đội mạnh, nhất định phải thắng.

Tròn 1 năm tiếp quản lứa cầu thủ từng hòa Campuchia và thua tan nát trước Indonesia, HLV Roland đã thay đổi tất cả. Ông đặt ra khuôn khổ kỷ luật chiến thuật. Các cầu thủ vẫn có thể đá tự do, nhưng phải trong một “khung” nhất định.

Cự ly đội hình được bố trí hợp lý và khoa học hơn. Hàng thủ được tổ chức kín kẽ và chặt chẽ hơn. Sự tự tin cũng được nâng cao, khi cầu thủ hiểu rằng họ đang được huấn luyện bởi người thầy giỏi, và nếu đáp ứng chiến thuật, thành quả sẽ đến.

Quả thực, U17 Việt Nam lột xác từng ngày. Khởi đầu bằng chiến thắng trước U17 Uzbekistan (3-0) và U17 Nhật Bản (1-0) ở giải giao hữu, sau đó, U17 Việt Nam vượt qua vòng loại, rồi đánh bại U17 Oman 2 lần với cùng tỷ số 1-0 ở loạt trận chạy đà.

Bước vào bảng tử thần, có lẽ ít người nghĩ, U17 Việt Nam lại hòa được U17 Australia và U17 Nhật Bản, để đến trận gặp U17 UAE, chúng ta thắng là đi tiếp.

Tuy nhiên, U17 Việt Nam bị loại, bởi chúng ta “đủ” để tạo bất ngờ, nhưng lại “thiếu” cho một chiến quả thực sự. Hay nói cách trần trụi hơn, U17 Việt Nam đủ sức hòa bất cứ đối thủ nào, dù mạnh đến đâu. Các cầu thủ trẻ đã đi chặng đường để đi từ bại đến hòa. Nhưng chặng đường còn lại từ hòa đến thắng lại khác. Nó dài hơn, gian khổ hơn, mà cố gắng thuần túy của thầy trò HLV Roland thôi là không đủ.

Các cầu thủ đã rất nỗ lực và chiến đấu đến kiệt sức, song, cái khác biệt vạch ra ranh giới giữa U17 Việt Nam và các đối thủ cùng bảng, không chỉ nằm ở nỗ lực trên sân mà còn thuộc về nỗ lực của cả nền bóng đá, mà bấy lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều hơn làm.

 Ông Roland là phát hiện mới trong làng HLV bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc.

Ông Roland là phát hiện mới trong làng HLV bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc.

Vấn đề gốc rễ

“Các cầu thủ U17 Việt Nam có rất ít sân chơi để thể hiện mình”, HLV Roland trải lòng, khi học trò của ông từng có trận hòa 1-1 đầy tranh cãi với U17 Yemen ở vòng loại U17 châu Á 2025.

HLV Roland đã làm tốt nhất thứ ông có thể kiểm soát. Đó là cùng U17 Việt Nam bước đến sân chơi châu Á để học được nhiều hơn, dù thắng, hòa hay thua. Nhưng, vẫn có thứ mà nhà cầm quân người Brazil chỉ có thể nói, chứ chưa thể thay đổi: đó là hệ thống bóng đá trẻ non và yếu ở Việt Nam.

Là nơi, chỉ có rất ít đội bóng sở hữu cơ ngơi đào tạo trẻ chất lượng, cũng có rất ít đội bóng có chiến lược phát triển cầu thủ trẻ như tạo cơ hội ra sân, phát triển kỹ năng. Là nơi, mà mỗi năm cầu thủ chỉ có khoảng 10-15 trận ra sân ở các giải trẻ (trong khi ở các nền bóng đá phát triển, cầu thủ trẻ đá ít nhất 25-30 trận mỗi năm, và đó đều là những trận đấu chất lượng). Là nơi, mà đội tuyển trẻ chỉ tập huấn vài tuần trước giải để lắp ráp đội hình.

Chiến thuật hợp lý có thể thu hẹp cách biệt trình độ giữa các đội trẻ, song như thế là chưa đủ. Gốc rễ nền tảng vẫn thuộc về công tác đào tạo và huấn luyện, mà HLV Roland chỉ có thể giải quyết bề nổi, còn bề chìm thuộc về trách nhiệm nền bóng đá mà lâu nay thường bị bỏ qua.

Lê Huy Việt Anh, Trần Gia Bảo, Đậu Hồng Phong, Hoàng Trọng Duy Khang, Chu Ngọc Nguyễn Lực đều rất tiềm năng. Nhưng, bóng đá Việt Nam không thiếu những “măng non” như vậy.

Nhiều viên ngọc thô từng xuất hiện, song chỉ vì không có cơ hội, không có giải đấu để thể hiện, cũng chẳng có chiến lược huấn luyện hay đào tạo bài bản nào, mà hầu hết đều rơi vào quên lãng. Người nỗ lực thì còn trụ lại V.League hay Hạng nhất, những người kém may hơn chọn giải nghệ làm nghề khác. Vài trăm cầu thủ đang đá V.League và Hạng nhất chỉ là số ít sản phẩm đầu ra của hàng nghìn cầu thủ từ các lò đào tạo khắp cả nước.

Suy cho cùng, thắng U17 UAE để dự World Cup hay bị loại, hai thái cực ấy cũng chỉ mang tính thời điểm, là một dấu mốc nhỏ trên hành trình sự nghiệp rất dài của các cầu thủ. Người ta không thể nhìn vào dấu mốc để đánh giá cả hành trình.

Có những lứa cầu thủ không cần dự World Cup, sau này vẫn đóng góp quan trọng cho bóng đá Việt Nam. Quan trọng là, bóng đá Việt Nam sẽ nâng niu những “ngọc thô” ra sao, có tìm được những thầy giỏi như Roland để tạo nên trò giỏi như người ta thường nói là “danh xưng xuất cao đồ” hay không.

Có thêm bao nhiêu giải trẻ, bao nhiêu trận đấu, hay bao nhiêu cơ hội để U17 Việt Nam và nhiều lứa trẻ khác có thể vươn lên, để lần sau trở lại, chúng ta có thể đổi những trận hòa để lấy dù chỉ một chiến thắng. Để khoảng cách giữa hòa với thắng không còn xa vời vợi.

Còn bây giờ, hãy dành lời động viên cho U17 Việt Nam. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam như vậy, đá như thầy trò HLV Roland đã là rất giỏi rồi.

Trà Giang

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-chi-khen-dong-vien-u17-viet-nam-post1545051.html