Dừng chiếu hoặc rút phép phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức: Hình phạt quá nặng hay xứng đáng?
Liên quan đến đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức, dư luận và giới làm phim có nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều người phản đối đề xuất vì đạo đức là chuyện cá nhân, không thể để cả ê-kíp chịu trận chung.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị hoặc phát ngôn. Đại biểu dẫn chứng Trung Quốc đang có chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn: "Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài".
Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình trước quan điểm của bà Lê Thu Hà và cho rằng đây là biện pháp cần thiết để hạn chế sự phổ biến của những nghệ sĩ vi phạm đạo đức đến với công chúng.
"Ủng hộ đề xuất của Đại biểu Quốc hội, cần sớm đưa vào thực hiện, để dẹp bớt một số dạng gắn mác nghệ sĩ nhưng phát ngôn lệch chuẩn, coi thường khán giả ra khỏi làng giải trí"; "Là người của công chúng nhưng hành động và lời nói bất nhất, phát ngôn chợ búa thì không xứng đáng xuất hiện trên màn ảnh"; "Việc nên làm. Nên có thang điểm đạo đức chuẩn mực cho nghệ thuật, hết điểm thì cấm sóng vài năm hoặc lâu hơn"; "Đề nghị thêm luật cấm sóng và cấm các nghệ sĩ vi phạm đạo đức quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào"; "Nhiều người có phải diễn viên đâu. Cấm triệt để đi show truyền hình, ca nhạc biểu diễn",... một số ý kiến dư luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này. "Cần phải có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra về nghệ sĩ vi phạm thì mới cấm sóng. Còn nếu mới scandal mà đã cấm là không hợp lý, vì dễ gây ra tiêu cực. Bởi nếu chỉ cần nhóm người nào đó ghét/anti nghệ sĩ mà phao tin tào lao rồi cấm nghệ sĩ thì thật tội cho họ" một ý kiến dư luận.
Bên cạnh đó, một số khác cho rằng việc một nghệ sĩ vi phạm song để cả ê-kíp làm phim phải chịu trách nhiệm về việc dừng chiếu là điều không khả quan. "Ai sai thì xử lý người đó, không thể xử phạt cả chùm. Sản phẩm là công sức của tập thể, không gom chung vào được. Rút phép nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì còn được, chứ về đạo đức thì ai có thẩm quyền đánh giá mà ghi vào biên bản", ý kiến đóng góp từ khán giả truyền hình.
Chia sẻ về vấn đề này, theo đạo diễn 8X Vũ Ngọc Phượng biện pháp này là "quá nặng". Anh ước lượng phim điện ảnh Việt Nam thường có kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Nếu dừng chiếu phim, thiệt hại cho bên làm phim còn lớn hơn vì các chi phí quảng bá, phát hành.
"Khi nghệ sĩ tham gia phim, có các điều khoản yêu cầu họ bảo vệ tên tuổi, nếu không sẽ phải bồi thường. Nhưng nghệ sĩ rất khó có khả năng bồi thường con số rất lớn ấy cho nhà đầu tư", đạo diễn "Anh trai yêu quái" bày tỏ.
Với đạo diễn Nam Cito, nghệ sĩ là người của công chúng, là tấm gương rất nhiều người nhìn vào. Bởi vậy, mỗi người nghệ sĩ phải tự có ý thức giữ gìn hình ảnh, tu dưỡng đạo đức, tập trung cống hiến tài năng thay vì những chuyện bên lề.
Là đạo diễn kiêm nhà sản xuất, Nam Cito luôn đề cao vấn đề đạo đức mỗi khi chọn diễn viên cho phim. Trong hợp đồng, công ty anh đưa ra những điều khoản ràng buộc như "diễn viên không được xảy ra scandal, không vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật". Đạo diễn "Gái già lắm chiêu" khẳng định: "Điều này đồng nghĩa với sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tác phẩm, cũng như tôn trọng khán giả".
Nói thẳng vào đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức hay pháp luật, các đạo diễn cho rằng vấn đề nằm ở mức độ nghiêm trọng của hành vi. Nếu là vi phạm pháp luật, cần có điều tra và kết luận từ cơ quan chức năng, còn nếu chỉ dừng lại ở những sự vụ nhỏ, biện pháp này là quá nặng.