Đừng cho con dùng máy tính bảng suốt ngày nữa

Đứa trẻ dán mắt vào máy tính bảng quá lâu có nguy cơ dễ nổi nóng, tức giận. Phụ thuộc vào đồ điện tử cũng khiến các em không biết cách định nghĩa và quản lý cảm xúc của mình.

 Trẻ nhỏ dùng máy tính bảng quá nhiều dễ bị mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Ảnh: Pexels.

Trẻ nhỏ dùng máy tính bảng quá nhiều dễ bị mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Ảnh: Pexels.

Hầu hết cha mẹ có con nhỏ từng trải qua chuyện con đột nhiên nổi giận và bực bội, từ lúc ngủ dậy, ăn sáng hay là nổi giận vào lúc đi ngủ.

Một nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Pediatrics chỉ ra rằng cơn thịnh nộ của trẻ có thể liên quan việc sử dụng máy tính bảng khi còn quá nhỏ. Ví dụ, đứa trẻ 3,5 tuổi dùng máy tính bảng có thể trở nên bực bội, dễ cáu gắt hơn vào khoảng một năm sau đó.

Các tác giả nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng máy tính bảng ở trẻ nhỏ có thể góp phần vào việc tạo ra một "chu kỳ" về vấn đề điều tiết cảm xúc ở trẻ.

Để thảo luận kỹ hơn về vấn đề này, CNN đã phỏng vấn bác sĩ Leana Wen. Bà là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học George Washington (Mỹ), đồng thời là mẹ của 2 đứa con nhỏ.

 Trẻ có thể dùng máy tính bảng cho việc học, nhưng cha mẹ đừng coi công cụ này là thứ để kiểm soát hay trông con. Ảnh: Pexels.

Trẻ có thể dùng máy tính bảng cho việc học, nhưng cha mẹ đừng coi công cụ này là thứ để kiểm soát hay trông con. Ảnh: Pexels.

Máy tính bảng gây ra khủng hoảng tuổi lên 5

Theo bà Leana Wen, để có được nghiên cứu công bố trên JAMA Pediatrics, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với 315 phụ huynh có con ở độ tuổi mẫu giáo tại Nova Scotia, Canada.

Thời điểm tham gia nghiên cứu, con của những người này đã được 3,5 tuổi (năm 2020), 4,5 tuổi (năm 2021) và 5,5 tuổi (năm 2022).

Nhóm nghiên cứu yêu cầu các phụ huynh tự báo cáo việc con mình sử dụng máy tính bảng và sau đó đánh giá những biểu hiện, mức độ tức giận của con mình thông qua một bảng câu hỏi.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện việc sử dụng máy tính bảng ở độ tuổi 3,5 có mối liên quan với mức độ tức giận gia tăng ở độ tuổi 4,5.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng mối liên quan này có tính chất hai chiều. Nghĩa là những đứa trẻ có mức độ tức giận cao ở độ tuổi 4,5 cũng có nguy cơ dùng máy tính bảng nhiều hơn khi lên 5,5 tuổi.

Một lưu ý khác là nghiên cứu này được thực hiện trong những năm đỉnh điểm của dịch Covid-19. Đại dịch có thể gây ra nhiều căng thẳng và đảo lộn thói quen hàng ngày của trẻ. Tuy nhiên, tác động của việc dùng máy tính bảng và sự tức giận là có căn cứ và đó chính là lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh.

Bà Leana Wen không hề bất ngờ khi đọc kết quả này vì trước đó, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra vấn đề tương tự.

Tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers nêu rằng những đứa trẻ 2-5 tuổi có cha mẹ thường dùng công nghệ để kiểm soát cảm xúc của chúng thường có khả năng kiểm soát cảm xúc kém hơn chỉ sau một năm.

Trẻ nhỏ cần được học cách tự giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình và cần được cha mẹ, người lớn hỗ trợ trong thời thơ ấu. Nếu chỉ được đưa một chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh hoặc máy tính để xoa dịu, các em sẽ không bao giờ học được cách kiểm soát những cảm xúc này và gây ra những vấn đề khác khi lớn lên, ví dụ như không biết cách kiểm soát cơn giận.

 Thanh, thiếu niên cũng có nguy cơ ảnh hưởng từ việc dùng đồ điện tử, mạng xã hội. Ảnh: Pexels.

Thanh, thiếu niên cũng có nguy cơ ảnh hưởng từ việc dùng đồ điện tử, mạng xã hội. Ảnh: Pexels.

Không cấm hoàn toàn, nhưng hãy hạn chế hết mức

Bác sĩ Wen nhấn mạnh rằng cha mẹ không cần thiết phải cấm con dùng máy tính bảng hoàn toàn vì một số trường hợp, thiết bị này vẫn có thể hỗ trợ con học tập.

Điều quan trọng là cha mẹ không nên coi máy tính bảng hay điện thoại như ti giả - đưa cho con mỗi khi khóc để chúng bình tĩnh lại.

Máy tính bảng cũng không nên được dùng như bảo mẫu - thay người lớn tương tác với trẻ. Lý do là trẻ học hỏi thông qua việc tương tác xã hội tích cực với người khác. Nếu chỉ dùng đồ điện tử - dù là xem phim, chương trình truyền hình - các em cũng bị mất đi cơ hội tương tác trực tiếp.

Không riêng trẻ nhỏ, những đứa trẻ lớn hơn cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng từ việc dùng máy tính bảng.

Trong một nghiên cứu được công bố trên National Library of Medicine vào năm 2021, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng những bé gái dành 2 giờ trở lên cho việc dùng mạng xã hội bằng đồ điện tử có nguy cơ trầm cảm và tự làm hại bản thân cao hơn so với những bé ít dùng.

Một nghiên cứu khác cũng được công bố trên trang này, nhưng vào năm 2019, chỉ ra rằng việc thanh, thiếu niên dùng mạng xã hội 5 giờ/ngày trở lên có liên quan đến nguy cơ thiếu hạnh phúc so với những bé dùng dưới một giờ mỗi ngày. Mức độ chênh lệch lên đến 171%.

Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh mạng xã hội trở nên phổ biến, khoảng 95% trẻ em 13-17 tuổi ở Mỹ đều sử dụng các nền tảng này và có thể dành đến 5 giờ mỗi ngày cho việc lướt Facebook, TikTok.

Khi dành quá nhiều thời gian để dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng, trẻ không tham gia thể thao hay hoạt động thể chất. Các em cũng không ngủ đủ giấc, không tương tác với nhau trong cuộc sống thực và tất cả điều này đều gây hại đến sức khỏe tinh thần của các em.

Là mẹ của hai con, một bé 4 tuổi và một bé gần 7 tuổi, bác sĩ Leana Wen cũng phải cố hạn chế thời gian dùng điện thoại, máy tính bảng của con. Hiện, hai đứa trẻ chỉ được phép dùng một giờ vào cuối tuần để xem phim.

Bà cũng cho phép con dùng máy tính bảng vào dịp đặc biệt như khi có chuyến bay dài, dùng ở trường để học hoặc khi đến nhà bạn bè chơi.

Từ những vấn đề nêu trên, bà Wen khuyên các bậc phụ huynh cần lưu ý 4 điều để ngăn nguy cơ con bị ảnh hưởng bởi đồ điện tử,

Đầu tiên, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần trì hoãn việc dùng điện thoại, máy tính bảng và mạng xã hội càng lâu càng tốt.

Thứ hai, cha mẹ cũng không nên dùng đồ điện tử để kiểm soát cơn thịnh nộ của con vì cảm xúc tức giận là điều bình thường. Nếu con tức giận với tần suất quá dày đặc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Thứ ba, với những trẻ đã có điện thoại, máy tính bảng riêng và đã tiếp xúc với mạng xã hội, cha mẹ cần thảo luận với con về tác động của mạng xã hội, từ đó thống nhất thời gian sử dụng để hạn chế nguy cơ con "nghiện" mạng xã hội.

Thứ tư là hãy đặt ra giới hạn. Giới hạn ở đây bao gồm việc không để điện thoại trong phòng ngủ, trên bàn ăn, trong lớp học... Cha mẹ cũng nên làm gương để con noi theo.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-cho-con-dung-may-tinh-bang-suot-ngay-nua-post1491662.html