'Đừng cho rằng thủ phạm xâm hại trẻ em là người ít học'
Đó là lời cảnh báo của PGS. TS Trần Thành Nam cho các bậc phụ huynh trước tình trạng ngày càng nhiều trẻ em bị dâm ô, xâm hại.
Qua vụ việc về 2 cháu bé bị người lạ có hành động dâm ô trong thang máy mới đây, PGS. TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, các bậc phụ huynh và cộng đồng đừng nghĩ rằng các bé trai không phải là đối tượng bị xâm hại tình dục, đừng cho rằng thủ phạm chỉ là những người ít học, có diện mạo bên ngoài bất hảo mà có thể là bất kỳ ai trông đáng kính và có học thức.
Cha mẹ cũng nên hiểu, hành vi xâm hại trẻ không chỉ từ hành động trực tiếp được camera ghi hình mà còn cả xâm hại tinh thần. Nhiều trẻ em bị khủng bố qua lời nói tục tĩu, bình luận về bộ phận sinh dục (khẩu dâm) hoặc phô bày bộ phận sinh dục một cách lén lút (thị dâm) – những hành vi mà camera khó có thể bắt được góc quay phù hợp.
“Vì thế, cha mẹ cũng đừng nghĩ là con đã được nghe nói về vấn đề xâm hại tình dục là được rồi, coi như là biết rồi. Thực tế thì từ việc biết đến hiểu, từ nhận thức đến thay đổi thái độ và thay đổi hành vi là một quá trình dài mà cha mẹ không thể chỉ nói với con qua qua là hình thành được kỹ năng ứng phó”.
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Trần Thành Nam đã có cuộc trò chuyện với về chủ đề này.
- Theo ông, những tổn thương tâm lý lâu dài với những trẻ em từng là nạn nhân của các hành vi xâm hại là gì?
PGS.TS Trần Thành Nam: Trẻ là nạn nhân của dâm ô và xâm hại ở độ tuổi càng nhỏ thì mức ảnh hưởng càng lớn và hậu quả càng lâu dài. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay hoặc sau vài ba tuần với các dấu hiệu đặc trưng về cảm xúc (lo lắng, bồn chồn, trở nên quá cảnh giác hoặc nhạy cảm với các tình huống gợi nhớ); hành vi (né tránh những bối cảnh, không gian, địa điểm, con người có thể gợi nhớ lại sự kiện gây hoảng sợ làm cá nhân không thể thoải mái sinh hoạt và tham gia các hoạt động như trước đây nữa) và ký ức xâm nhập (những hành động sợ hãi đó có thể xuất hiện lặp lại trong giấc mơ khiến trẻ gặp ác mộng, tỉnh dậy giữa đêm và không thể trở lại đi ngủ được).
Nghiên cứu cũng cho thấy nạn nhân của xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận. Các em tự đổ lỗi dằn vặt bản thân, mất sự tin tưởng vào người khác; tự thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội. Về lâu dài, các em có nguy cơ phát triển các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống (cuồng ăn hoặc chán ăn); rối loạn trong đời sống tình dục khi lớn lên; lạm dụng chất gây nghiện.
Tính trung bình, những em đã từng bị dâm ô hoặc xâm hại tình dục nghiêm trọng sẽ có hành vi tự hủy hoại (cắt tay; tự hành xác) nhiều hơn. Trung bình, mỗi em sẽ có từ 10-13 lần lập kế hoạch tự tử. Đáng sợ hơn là những người đã từng bị lạm dụng có nguy cơ trở thành tội phạm lạm dụng những đứa trẻ khác trong tương lai. Thế hệ sau của các em cũng thường có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn những nhóm trẻ khác.
- Có một thực tế ở Việt Nam là nhiều người lớn không ý thức được những hành vi đụng chạm của mình với trẻ là một hành động gây tổn hại tâm lý trẻ, mà chỉ coi đó là sự trêu đùa. Theo ông, làm thế nào để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ thân thể và tâm lý trẻ em trong những trường hợp này?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, có lẽ kiến thức về những hành vi dâm ô và xâm hại trẻ em đã được giới thiệu trên truyền thông quá nhiều rồi. Tôi tin là về mặt nhận thức ai cũng biết, chỉ là vẫn còn khoảng cách giữa nhận thức chưa thay đổi hành vi.
Nó cũng giống như luật giao thông ai cũng biết không được vượt đèn đỏ nhưng vẫn có người vượt nếu như môi trường thuận lợi và không có cảnh sát giao thông. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả những khu vực có nguy cơ (cụ thể trong trường hợp này là thang máy), chúng ta nên dán một thông báo rõ ràng, ví dụ như “Vì lý do an toàn, mọi hành vi của bạn đang được máy quay ghi lại”. Đó là biện pháp bất đắc dĩ khi một bộ phận thiếu ý thức về hành vi cá nhân nơi công cộng.
- Ông có thể chia sẻ một số biện pháp giúp trẻ tự vệ và nhận biết những kẻ khả nghi ở nơi công cộng?
Các chương trình tập huấn phòng chống xâm hại tình dục đã có nhiều. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là những chương trình này phải được xây dựng dựa trên những bằng chứng nghiên cứu đi trước về tính hiệu quả của các chương trình, chứ không thể làm bừa, làm cho có, làm cho qua. Các chuyên gia thiết kế chương trình can thiệp phải dựa trên bằng chứng nghiên cứu khoa học chứ không phải thiết kế dựa trên quan điểm cá nhân “tôi nghĩ là” hay “tôi tin là”.
Ví dụ, nghiên cứu trên thế giới về các chương trình phòng chống xâm hại tình dục ở học sinh thường được thiết kế trên tiếp cận trường học (School-based), tiếp cận cộng đồng (community based), tiếp cận gia đình (family based) và tiếp cận tại chỗ (placed based). Mặc dù phải có sự đồng bộ triển khai giữa các hướng tiếp cận nhưng tiếp cận trường học đóng vai trò nòng cốt có sự ảnh hưởng nhất.
Về nội dung giảng dạy, các chương trình có hiệu quả đều nêu các vấn đề chính như: Giới thiệu về phổ hành vi xâm hại, lạm dụng tình dục; Quyền bất khả xâm phạm về thân thể cá nhân; Hành vi dẫn dụ làm thân; Nhận diện các tình huống an toàn và không an toàn; Cách nói không một cách nhất quán và tự tin; Tầm quan trọng và cách thức chia sẻ những bí mật với người lớn; Nhận diện các dạng động chạm phù hợp và không phù hợp.
Về phương pháp tổ chức giảng dạy, phần nhiều các chương trình có hiệu quả đều sử dụng đa dạng các phương pháp trong đó có chiếu phim, đóng vai trong đó tình huống sân khấu hóa chiếm đa số. Các phương pháp giảng dạy quy trình hóa từ làm mẫu hành vi – yêu cầu tập luyện đóng vai – đưa ra phản hồi điều chỉnh – tiếp tục thực hành đóng vai – mở rộng các tình huống để khái quát hóa kỹ năng (qua game, bài luận thu hoạch, viết truyện, giải quyết tình huống mẫu) được vận dụng nhiều.
Ngoài ra, các bằng chứng đi trước cũng cho thấy nhiều phương pháp khác cũng được áp dụng trong quy trình tổ chức giáo dục phòng chống kỹ năng xâm hại tình dục cho các em còn sử dụng các bài hát, các phương tiện hỗ trợ trình chiếu, hình ảnh, thời gian phản hồi trực tiếp với giảng viên hoặc giám sát sau đó. Với những chương trình có hiệu quả, luôn có phần giới thiệu những nội dung giáo dục với cha mẹ của trẻ và có mạng lưới kết nối sau khóa tập huấn giữa học sinh – cha mẹ - nhà trường - các tổ chức bảo vệ trẻ em và các số điện thoại hỗ trợ khẩn cấp.
Cá nhân tôi mong muốn đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sẽ rà soát lại nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức của các chương trình giáo dục phòng chống xâm hại hiện hành để đảm bảo tính khoa học và hiệu quả.
Nguyễn Thảo(thực hiện)