Đừng chờ vào ý thức

Trước đây, khi có những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền, đặc biệt phim ảnh, câu cửa miệng của nhiều người là kêu gọi ý thức của khán giả, tẩy chay hành vi không văn minh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nó đã không còn tác dụng.

Các đoạn video clip quan trọng trong phim Chị chị em em 2 được quay lại và đăng tải lên nền tảng TikTok

Các đoạn video clip quan trọng trong phim Chị chị em em 2 được quay lại và đăng tải lên nền tảng TikTok

Đối tượng khán giả ra rạp chiếm số đông vẫn là những người trẻ. Một thời gian dài, các nhà làm phim chỉ biết kêu gọi ý thức và văn hóa xem phim văn minh từ khán giả. Rạp chiếu nào cũng có những quy định về văn hóa xem phim nói chung, đặc biệt không được phép chụp hình, quay phim.

Trường hợp của Chị chị em em 2, ê kíp còn đưa ra các hashtag (thẻ dữ liệu) #tâỷchaynềntảngbẩn, #xemphimvănminh, #xâmphạmbảnquyền như một cách kêu gọi sự chung tay, đồng lòng từ khán giả. Nhiều rạp chiếu phim còn lắp đặt camera để đảm bảo an ninh, tài sản và giải quyết các sự cố khi cần thiết. Nhưng, từng đó là chưa đủ…

Nếu như trước đây, việc quay lén phim phổ biến là theo hình thức livestream (phát trực tiếp) trên Facebook thì mới đây nhất, với hai phim chiếu tết là Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2, các đoạn video clip quan trọng trong phim được quay lại và đăng tải lên nền tảng TikTok. Nhiều video thu hút vài trăm ngàn lượt xem. Hiển nhiên, trước khi kênh vi phạm này bị phát hiện và phải đóng cửa, những video đó đã được phát tán tràn lan. Và, sẽ có vô số những bản sao của những clip đó được biến tấu theo muôn hình vạn trạng, không thể ngăn chặn triệt để.

Những cá nhân vi phạm dù chỉ nhằm mục đích để khoe với bạn bè kiểu cho vui, hay cố tình trục lợi bất chấp, đều đáng lên án. Khi đã không thể trông chờ vào câu chuyện ý thức, có lẽ cách tốt nhất những nhà làm phim có thể làm được để bảo vệ tác phẩm của mình là thông qua các công cụ pháp luật. Các nghị định, văn bản luật đều có quy định mức xử phạt cả về mặt dân sự, hành chính và cả hình sự, khi có đủ bằng chứng và chứng minh mức độ thiệt hại. Trước đây, một số vi phạm mà đối tượng sai phạm là những người trẻ, có nhà làm phim chọn cách đối thoại với mong muốn họ nhận ra sai lầm và sửa chữa, có người nhờ pháp luật can thiệp xử phạt hành chính nhằm cảnh cáo, răn đe. Nhưng nếu sai phạm thuộc diện cố ý, gây thiệt hại nặng nề đến bộ phim, bản thân nhà làm phim phải mạnh tay hơn nữa. Để làm được điều đó, trước hết, mỗi nhà làm phim cần biết mình đang có những công cụ pháp lý nào để giải quyết vấn đề tận cùng, thay vì chỉ lên tiếng bức xúc, ca thán trên các mạng xã hội, sau đó chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Khi việc giáo dục ý thức xem phim có văn hóa, văn minh đã không thể phát huy hết tác dụng, nên chăng cần có sự chuyển hướng giáo dục về pháp luật. Các quy định trong rạp chiếu có lẽ cũng nên cân nhắc đưa ra cảnh báo mang tính răn đe hơn, đặc biệt liên quan đến các mức xử phạt phát tán phim lậu. Đó cũng là cách giáo dục pháp luật thiết thực, đặc biệt dành cho người trẻ.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dung-cho-vao-y-thuc-post676878.html