Dừng cho vay ngoại tệ: Linh hoạt tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu
Mặc dù lộ trình dừng cho vay ngoại tệ đã được Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp từ khá lâu, tuy nhiên chính sách tín dụng này vẫn gây áp lực lên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội.
Chính sách hạn chế tín dụng ngoại tệ là một chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chống tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Kể từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước, ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh. Trước đó, ngày 1/4/2019, các ngân hàng đã dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn.
Đây là một trong nội dung của Thông tư 42/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù lộ trình dừng cho vay ngoại tệ đã được Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp ra thị trường từ khá lâu, tuy nhiên chính sách tín dụng này vẫn gây áp lực lên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội.
Doanh nghiệp nội “khó chồng khó”
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng, chính sách hạn chế tín dụng ngoại tệ là một chủ trương đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, nhằm chống tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách này cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến chi phí vốn của doanh nghiệp nhập khẩu, do chi phí vốn sẽ tăng lên khi chuyển từ vay vốn ngoại tệ sang vay vốn bằng VND.
Theo ông Trần Tấn Lộc, nếu như trước đây, doanh nghiệp đi vay trung dài hạn ngoại tệ (ví dụ như vay vốn USD) với chi phí khoảng 5-6%/năm, cộng thêm phần chênh lệch tỷ giá khoảng 2%/năm thì tổng chi phí vốn rơi vào khoảng 7-8%/năm. Tỷ lệ này thấp hơn so với đi vay VND trung dài hạn hiện ở khoảng 9-11%/năm. Thậm chí, tổng chi phí vay USD còn thấp hơn, nếu tỷ giá USD/VND vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định như trong những năm gần đây quanh 1%/năm.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước dừng cho vay ngoại tệ sẽ khiến chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, làm suy giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường.
Nhất là trong bối cảnh, các doanh nghiệp nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, còn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, ảnh hưởng từ chính sách tăng tiền lương… thì chính sách tín dụng này sẽ tăng thêm nhiều áp lực cho doanh nghiệp.
Mặt khác, báo cáo của Tổng cục Thống kê về hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng năm 2019 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang là chủ thể nhập khẩu với lượng nhập siêu trên 19 tỷ USD. Khả năng tiếp cận nguồn vốn USD rẻ thay thế trên thị trường quốc tế sẽ rất hạn chế sau khi chính sách tín dụng ngoại tệ trên có hiệu lực.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng cho biết, chính sách tín dụng này có thể ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho khách một phương án cung ứng vốn cho khách hàng, đặc biệt là các ngân hàng có thế mạnh về nguồn vốn ngoại tệ sẽ mất đi lợi thế. Doanh số từ các sản phẩm bán chéo, kèm theo với sản phẩm cho vay ngoại tệ như các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất cũng sẽ sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới.
Linh hoạt tìm giải pháp thay thế
Dưới góc độ của một chuyên gia tài chính, ông Trần Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù việc dừng cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, chính sách này của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp hạn chế các doanh nghiệp có ý định không tốt, làm méo mó thị trường ngoại hối. Họ có thể lợi dụng chính sách để vay ngoại tệ (có lãi suất thấp), rồi bán trên thị trường chợ đen và chuyển đổi qua đồng nội tệ nhằm gửi lấy lãi suất cao hơn. Do vậy, dù chính sách tín dụng trên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu sử dụng ngoại tệ thật, song là cần thiết để hạn chế tình trạng “đô la hóa” trên thị trường.
Để vượt qua khó khăn này, ông Phương cho rằng, các doanh nghiệp có thể mua các hợp đồng hoán đổi tại các ngân hàng. Đồng thời, phải điều chỉnh những hoạt động khác như tiết kiệm chi phi quản lý, tồn kho, vận chuyển… để bù đắp vào chi phí vốn có thể bị đội lên từ chính sách tín dụng này. Trên thực tế, các doanh nghiệp cũng đang loay hoay tìm biện pháp để giảm chi phí vốn.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may, chủ yếu hoạt động gia công lại. Do vậy, chính sách tín dụng này có thể nói là ít tác động đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp dệt may lớn khi muốn nhập khẩu nguyên phụ liệu thường đăng ký mở Thư tín dụng (L/C) trả chậm bằng ngoại tệ tại các ngân hàng. Tùy vào uy tín của doanh nghiệp mà các ngân hàng có hạn mức nhất định dành cho doanh nghiệp mở L/C. Sau đó, người mua và người bán sẽ thỏa thuận thời điểm thanh toán bằng L/C.
Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may, chủ yếu hoạt động gia công lại. Do vậy, chính sách tín dụng này có thể nói là ít tác động đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Dĩ nhiên, chỉ có những doanh nghiệp uy tín, có lịch sử tín dụng “sạch” mới được hưởng quyền lợi này.
Theo các ngân hàng, hình thức mở L/C trả chậm cũng đang là một trong những giải pháp quan trọng mà phía ngân hàng hỗ trợ khách hàng giảm thiểu tác động từ chính sách tín dụng này.
Chẳng hạn như tại Eximbank, ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc cho biết, hiện ngân hàng này đang được các định chế tài chính cung cấp hạn mức tài trợ thương mại đủ lớn để hỗ trợ cho khách hàng trong việc thanh toán trả chậm, L/C trả chậm, L/C Upas (thư tín dụng trả chậm có thể gửi thanh toán ngay)...
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, tại Eximbank, khách hàng có thể vay bằng VND và khi đến kỳ thanh toán, ngân hàng sẽ chuẩn bị sẵn nguồn ngoại tệ để bán giao ngay hoặc kỳ hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu, tránh những biến động tỷ giá cho khách hàng. Eximbank cũng sẽ tư vấn cho khách hàng các giải pháp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, thông qua các sản phẩm phái sinh như hợp đồng giao dịch hối đoái kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn…
Cũng theo các ngân hàng, trước thời điểm chính sách dừng cho vay ngoại tệ có hiệu lực, các doanh nghiệp đang còn dự nợ ngoại tệ trung, dài hạn hầu hết đã được các ngân hàng thông báo về chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước, để có phương án chủ động cân đối lại nguồn vốn trong thời gian tới. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng chủ động cập nhật các dự báo tỷ giá, tư vấn các giải pháp tài chính thay thế… nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ít ảnh hưởng nhất./.