Đừng chủ quan chở quá tải, quá khổ
Tâm lý chủ phương tiện vận tải, kinh doanh thường mong muốn đạt hiệu quả cao nhất về lợi nhuận, giảm đến mức thấp nhất chi phí liên quan vận chuyển, phương tiện. Chính vì vậy, những chuyến hàng quá tải, quá khổ xuất hiện liên tục trên đường, trở thành mối hiểm họa 'đã được báo trước'. Sự chủ quan này sẽ phải trả giá đắt, như câu chuyện sập cầu T6 (huyện Tri Tôn) vừa qua.
Cầu sắt T6 (đoạn giáp ranh giữa xã Vĩnh Phước và thị trấn Ba Chúc) được xây dựng năm 2009, dài 42m, rộng 3,2m, hai bên cầu có biển báo hạn chế tải trọng 5 tấn. Tuy nhiên, sáng 13/11/2024, tài xế Đoàn Đức Vinh (sinh năm 1996, ngụ TP. Cần Thơ) vẫn quyết định điều khiển xe tải chở 30 tấn gạch (chưa kể trọng lượng bản thân xe) di chuyển qua cầu. Hậu quả, cầu bị sập nhịp giữa, xe tải rơi xuống kênh T6. Rất may, thời điểm này vắng người xe qua lại, nên không gây thêm thiệt hại đáng tiếc nào. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tri Tôn Phạm Minh Hải cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, đơn vị phối hợp Đội Cảnh sát Giao thông, Thanh tra giao thông, UBND 2 địa phương lắp biển báo, hàng rào tạm; tìm phương án lắp đặt cầu tạm cách đó 10 - 20m. Đến chiều 14/11, toàn bộ số gạch và xe tải được trục vớt, đưa lên bờ.
Theo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, kết luận ban đầu cho thấy, hành vi của tài xế Vinh đã vi phạm Điều 9, Điều 11 và Điều 28, Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Công an huyện Tri Tôn đang phối hợp Viện kiểm sát nhân dân huyện xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Một lần nữa, xe quá tải, quá khổ trở thành nguyên nhân trong các vụ tai nạn nghiêm trọng. Khi chở quá tải, hệ thống an toàn của phương tiện bị suy giảm, thậm chí mất tác dụng trong điều kiện thời tiết xấu hoặc đường xuống cấp, đường nông thôn nhỏ hẹp, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, tuyến quốc lộ nói riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp phương tiện chở hàng quá khổ, quá tải trọng. Việc xử lý vi phạm này được thực hiện nghiêm, đúng luật và không có ngoại lệ.
Qua đó, phát hiện 163 trường hợp vi phạm (người điều khiển 93 trường hợp, chủ phương tiện 70 trường hợp), phạt tiền trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức cho doanh nghiệp vận tải trong và ngoài địa bàn tỉnh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ nói chung; không vi phạm lỗi chở hàng quá khổ, quá tải trọng hay tự ý cải tạo thành thùng xe nói riêng.
Việc chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn khi tham gia giao thông sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông. Chính vì vậy, Phòng Cảnh sát Giao thông khuyến cáo công ty, doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa hãy tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ; tuyệt đối không chở hàng quá tải, quá khổ giới hạn, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người tham gia giao thông khác.
“Nếu vi phạm, người điều khiển phương tiện bị xử phạt tiền rất cao, có thể lên đến 50 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe lên đến 5 tháng. Nếu gây hư hại cầu, đường, còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Chủ phương tiện còn bị xử phạt về hành vi giao xe hoặc để xe cho người làm công vi phạm quá tải cầu, đường, mức phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với cá nhân, 150 triệu đồng đối với tổ chức; đồng thời tước quyền sử dụng phù hiệu đến 3 tháng” - thượng tá Lê Thắng Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh nhấn mạnh.
Nếu hành vi chở hàng quá tải, quá khổ là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, phải chịu hình phạt tiền từ 30 triệu đồng trở lên, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm trở lên.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dung-chu-quan-cho-qua-tai-qua-kho-a409567.html