Đừng chủ quan khi bị chó cắn, mèo cào

Theo các bác sĩ, một số bệnh nhân bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi phát bệnh, tình trạng của họ đã nặng, không thể cứu chữa.

 Nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm tính mạng. Ảnh: Morganton.

Nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm tính mạng. Ảnh: Morganton.

Bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo thường có nguy cơ tăng cao vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Thực tế, nhiều người vẫn còn lơ là, chưa hiểu rõ về bệnh dại nên rất chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm tính mạng.

Ủ bệnh từ một tuần đến một năm

Tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận một số người bệnh bị chó cắn, nhưng do chủ quan không đi tiêm phòng. Đến khi người bệnh có biểu hiện sợ nước, sợ gió, buồn nôn, sốt nhẹ, khó nuốt, không uống được, hốt hoảng, kích thích khi có âm thanh tiếng động, họ mới đến bệnh viện. Kết quả thăm khám khẳng định bệnh nhân mắc bệnh dại, tình trạng nặng, không thể cứu chữa.

Nguyên nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn có trong nước bọt của những động vật bị bệnh dại. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới một tuần hoặc trên một năm. Chúng phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương…

Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi người bệnh đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại.

Tuy nhiên, chó không phải nguồn lây virus dại duy nhất, các loại động vật như mèo, chồn, cầy, dơi và động vật có vú khác có thể lây truyền virus dại.

Việc cần làm khi bị vật nuôi cắn

Theo các bác sĩ, trong mùa hè nắng nóng như hiện nay, virus dại phát triển có nguy cơ cao gây gia tăng bệnh dại. Vì thế, người dân không nên chủ quan, những nhà nuôi chó, mèo nên đi tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Bạn nên tiêm nhắc lại mũi dự phòng bệnh dại cho vật nuôi 12 tháng một lần.

 Bạn nên tiêm nhắc lại mũi dự phòng bệnh dại cho vật nuôi 12 tháng một lần. Ảnh: Pexels.

Bạn nên tiêm nhắc lại mũi dự phòng bệnh dại cho vật nuôi 12 tháng một lần. Ảnh: Pexels.

Bên cạnh đó, người dân tiêm vaccine dự phòng khi bị chó, mèo cắn là biện pháp giúp bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh này. Sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh.

Dưới đây là những trường hợp cần tiêm phòng dại sau khi bị mèo cắn, chó cắn:

Động vật gây ra vết cắn/ cào chảy máu; vết cắn/ cào sâu, nhiều vết; vết cắn/ cào gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ), ở vùng có nhiều dây thần kinh như đầu chi, bộ phận sinh dục.
Động vật gây ra vết xước, liếm trên vùng da bị tổn thương, niêm mạc.
Động vật tại thời điểm cắn người có triệu chứng dại hoặc không theo dõi được động vật sau khi cắn người.
Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó mèo cắn.

Sơ cứu sau khi bị chó cắn:

Cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.
Sau đó, sát khuẩn bằng cồn 45 độ -70 độ hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Bạn có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
Sau đó, bạn đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine phòng dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ. Tiêm vaccine sớm để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, tốt nhất tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dung-chu-quan-khi-bi-cho-can-meo-cao-post1475184.html