Đừng chuyển thể thành quá thể
Việc thơ được phổ nhạc dường như là một giải thưởng đối với thi sĩ, nhất là với những 'vĩ nhân tỉnh lẻ' cho dù bài thơ đó phổ nhạc xong đắp chiếu. Có những nhạc sĩ phổ thơ như làm quà, bạ đâu phổ đấy với phương pháp 'thơ đi đến đâu nhạc bâu đến đấy'.
Lại có nhạc sĩ phổ thơ xong chỉ ghi mỗi tên mình. Tác giả thơ hỏi thì lấp liếm rằng bài hát có trước bài thơ có sau. Sau thấy không trôi, nhạc sĩ bèn sửa sai, ghi tên thi sĩ khi phát hành các album sau này. Một số tác giả thơ không thấy các cuộc trao giải lớn cho ca khúc không thấy tên mình. Đồng tác giả chẳng ai nhắc tên. Cái giấy chứng nhận làm kỷ niệm cũng không nốt. Thế nên cũng có những nhà thơ không coi việc được phổ nhạc vinh dự gì. Hơn nữa, chỉ nơm nớp lo nhạc sĩ “phá” thơ.
Mà người ta cũng hay nhân danh sáng tạo để vặt đầu bẻ chân bài thơ lắm. Nhà văn Bảo Ninh từ chối việc làm phim “Nỗi buồn chiến tranh” vì không thể đồng thuận với cách sửa kịch bản của đoàn làm phim Mỹ. Nhà văn lừng danh Kundera thì tuyên bố thẳng thừng rằng, cấm chuyển thể tác phẩm của ông thành phim.
Đã khó đồng thuận với nhau sao không viết kịch bản độc lập, lại phải chuyển thể tiểu thuyết làm gì? Xin thưa, hầu hết các phim đoạt giải lớn như Oscar đều có tỷ lệ chuyển thể tiểu thuyết áp đảo. Riêng sự ăn khách của tiểu thuyết đã đỡ tiền tỉ tiếp thị. Một số đạo diễn của chúng ta phàn nàn khi làm phim về kháng chiến không có kinh phí cho quảng cáo. Xin thưa, cuộc kháng chiến oanh liệt với những con người anh hùng làm triệu người rơi lệ đã là một sự quảng cáo cho phim với giá đắt nhất rồi.
Vừa rồi người ta cho rằng phim “Đất rừng phương Nam 2023” mới ra mắt khác xa với nguyên tác của Đoàn Giỏi thì cần độc lập với cái tên thoát ly hẳn nguyên tác mới phải. Các nhà marketing không dại. Phần quảng cáo sẽ vô cùng rẻ nhờ cái tên liên đới với tiểu thuyết được hàng triệu người yêu thích từ tiểu thuyết văn học tới bộ phim nhiều tập trước đây.
Khi Cục Điện ảnh yêu cầu sửa chữa lại các chi tiết không phù hợp với lịch sử thì có một số “trí ngủ” cho rằng chớ đánh đồng phim với sách giáo khoa, lịch sử, chính trị. Nghệ thuật cần tách khỏi chính trị mới sáng tạo được. Các “trí ngủ” có biết vì sao trên phim thì quân đội Hoa Kỳ bao giờ cũng cực đẹp không? Lính Mỹ không cứu thành phố, quốc gia thì cứu trái đất với tinh thần mình vì mọi người, kết thúc có hậu, thiện thắng ác. Nghe có thấy quen quen không? Vẫn một phương pháp, mà với ta thì có vẻ “Bụt chùa nhà không thiêng”.
Nhà văn Dubravka Ugresic (Croatia) thấy rõ sự tương đồng đến vậy trong một bài tiểu luận: “Bảy chục năm đã trôi qua kể từ ngày chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời. Các nhà văn Đông Âu là những người thua thiệt nhất trong chuyện này. Tôi thực sự tiếc cho họ, bởi lẽ họ đã không có đủ tự tin để bảo vệ thứ nghệ thuật của chính họ. Họ đã quẳng vào sọt rác công sức lao động miệt mài của các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa ngày xưa mà không biết học ở họ những kỹ năng cần thiết cho một thị trường văn học. Họ đã ngược đãi và giết chết đứa con của chính họ” (trích bản do Ngô Tự Lập dịch).
Để hình ảnh quân đội long lanh thì phải có sự bắt tay giữa quân đội Mỹ và Hollywood sao cho đôi bên đều hoan hỷ. Glen Roberts là người phụ trách việc hợp tác với Hollywood của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các kịch bản muốn hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ đều phải được Roberts duyệt. Nhiệm vụ của Roberts là "lan tỏa và bảo vệ hình ảnh của các lực lượng vũ trang Mỹ". Họ thực hiện khoảng 130 dự án giải trí mỗi năm, từ phim tới các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử… Sau chiến tranh Việt Nam, các nhà báo Mỹ không được tùy ý ra chiến trường quay chụp. Giờ thử tìm google hình ảnh quân đội Mỹ trên chiến trường Iraq, Afganistan, không thể tìm thấy những hình ảnh tiêu cực nào. Tại sao? Hỏi đã là trả lời.
Nhân danh tự do sáng tạo, thậm chí có “trí ngủ” khước từ chức năng tuyên truyền của nghệ thuật. Các “trí ngủ” lờ tịt đi rằng, nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc tác động trí não đầu tiên, nếu không tác động hành vi tích cực thì hoàn toàn có thể đẩy con người lùi về tiêu cực hoặc các hướng vô định.
Xin kể hầu câu chuyện Tứ diện Sở ca. Sở Bá Vương Hạng Vũ bị vây khốn ở Cai Hạ. Quân Sở cạn lương, không tiếp viện nhưng Hạng Vũ với ý chí thép kiên cường vẫn tin sẽ lật ngược thế cờ. Hàn Tín cho quân Hán hát bài dân ca nước Sở với dàn đồng ca hàng vạn người. Đêm rét thê lương, quân Sở nghe bốn bề tiếng hát làn điệu quê mình thì nhớ nhà rơi lệ. 10 vạn quân Sở rơi lệ hát theo, buông giáo và trốn sạch. Hạng Vũ ý chí thép lạnh từng chôn sống 20 vạn quân Tần không ghê tay đã thực sự sụp đổ. Kết cục tự vẫn tại Ô Giang không kể nữa. Có thuyết nói phần lời ca do Trương Lương soạn. Họ Trương thật là bậc kỳ tài, điều khiển từ xa bằng văn hóa.
Sản phẩm đại chúng càng sai lịch sử khác nào đầu độc đám đông. Vẫn là nghệ thuật, nhưng là tiên dược hay độc dược cách nhau một khoảng hẹp nhưng mơ hồ. Vì thế, nghệ sĩ ngàn lần không được mơ hồ.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/dung-chuyen-the-thanh-qua-the-i711864/