Dùng công nghệ để trao quyền cho phụ nữ

Công nghệ đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để đặt bình đẳng giới và quyền sinh sản vào trung tâm của sự phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã đưa ra các sáng kiến ở hàng chục quốc gia nhằm khai thác tiềm năng công nghệ trong trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

 Sinh viên Turkmenistan tham gia nghiên cứu thông qua trang web Yashlyk.info

Sinh viên Turkmenistan tham gia nghiên cứu thông qua trang web Yashlyk.info

Tìm kiếm sự hỗ trợ sau bạo lực ở Cameroon

Ở Cameroon, phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên phải đối mặt với bạo lực trên cơ sở giới. Theo Khảo sát sức khỏe nhân khẩu học năm 2018, hơn 40% phụ nữ Cameroon từ 15 đến 49 tuổi được hỏi cho biết từng bị bạo lực. 1/3 tổng số phụ nữ đang trong mối quan hệ cho biết, họ đã bị bạn tình bạo hành trong năm 2023.

Tuy nhiên, hơn một nửa số người sống sót sau bạo lực thể chất hoặc tình dục đã không tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc nói với bất kỳ ai về chuyện đó. Sự kỳ thị và thiếu khả năng tiếp cận với công lý có thể khiến các vụ việc không được báo cáo và giải quyết.

Để hỗ trợ những người bị bạo lực trên cơ sở giới, vườn ươm khởi nghiệp WETECH đã ra mắt ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến AlertGBV vào năm 2023.

"Trên nền tảng này, bạn có thể tìm thấy địa chỉ liên hệ của các đối tác, nhà trị liệu và những người hành nghề pháp lý có thể giúp bạn trong quá trình chữa lành. AlertGBV cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho những người sống sót, thậm chí hỗ trợ họ về mặt kinh tế thông qua chương trình Capitalizer", người sáng lập WETECH Elodie Nonga-Kenla nói.

Phụ nữ Cameroon học làm xà phòng từ Chương trình Capitilizer của WETECH

Phụ nữ Cameroon học làm xà phòng từ Chương trình Capitilizer của WETECH

Bà Nonga-Kenla cho biết, đến nay, có gần 2.000 người yêu cầu thông tin từ chatbot của ứng dụng. Chatbot này sẵn sàng cung cấp hỗ trợ và tư vấn 24/24h. Hàng trăm người cũng đã được chuyển đến các dịch vụ chuyên biệt và được cung cấp thông tin về bạo lực trên cơ sở giới.

Một người dùng ẩn danh chia sẻ: "Thông tin tôi nhận được thông qua Alert GBV không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho cá nhân mà còn cho tôi nhiều kiến thức về cách xử lý tình huống của người khác. Là người phụ trách kỷ luật ở trường, tôi đã xử lý nhiều trường hợp như vậy với học sinh".

Đòi quyền tự chủ về cơ thể ở Kenya

Một ngày năm 2018, Queentah Wambulwa thức dậy với hàng loạt thông báo trên điện thoại. Ai đó đã đăng những bức ảnh và video của cô lên nhóm Facebook ở hạt Bungoma (Kenya). Đây là những bức ảnh cô đã chia sẻ với bạn trai cũ nhiều năm trước.

Cô Wambulwa chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ và suy sụp. Những người đàn ông trên đường nói với tôi rằng họ rất thích nhìn cơ thể trần trụi của tôi trong ảnh và video".

Cô Queentah Wambulwa tuyên bố quyền cơ thể của mình

Cô Queentah Wambulwa tuyên bố quyền cơ thể của mình

Cô Wambulwa nhớ lại cảm giác tội lỗi, lo lắng và không an toàn sau khi quyền riêng tư của cô bị xâm phạm. Việc báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng đều vô ích và cuối cùng, cô ấy đã phải xóa tài khoản mạng xã hội của mình để tránh bị bắt nạt trên mạng thêm nữa.

Việc chia sẻ những hình ảnh thân mật mà không có sự đồng thuận xảy ra thường xuyên trong thời đại kỹ thuật số. Ở Kenya, điều này phổ biến đến mức đáng báo động. Một cuộc khảo sát cho thấy, 1/4 số nữ sinh ở Thủ đô Nairobi cho biết, họ phải đối mặt với bạo lực trên không gian mạng.

UNFPA hoạt động ở Kenya nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới và phát động chiến dịch về quyền cơ thể vào năm 2021. UNFPA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, công ty công nghệ và nền tảng truyền thông xã hội coi việc xâm hại tình dục dựa trên hình ảnh và hành vi coi thường phụ nữ trên không gian mạng cần được quan tâm giải quyết một cách nghiêm túc như với vấn đề vi phạm bản quyền.

Cô Wambulwa muốn đảm bảo rằng, phụ nữ và trẻ em gái ở Kenya không phải chịu đựng những gì mà cô đã trải qua. Hiện là một nhà trị liệu, cô đã thành lập tổ chức "Girls for Girls", được UNFPA hỗ trợ và vận động hành lang để thay đổi luật về phòng, chống bạo lực trực tuyến.

"Tôi muốn giúp những người sống sót sau bạo lực trên cơ sở giới và bị bắt nạt trực tuyến có được công lý", cô khẳng định.

Điều hướng những thay đổi ở Turkmenistan

Tuổi vị thành niên là thời kỳ hình thành con đường dẫn đến tuổi trưởng thành. Đó là lý do tại sao việc trao quyền cho những người trẻ tuổi bằng các công cụ để định hướng những thay đổi đối với cơ thể, sức khỏe và các mối quan hệ của họ là điều cần thiết.

Tuy nhiên, tại Turkmenistan, nhiều thanh niên gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về sử dụng bao cao su, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản. Những chủ đề này phần lớn không có trong chương trình giảng dạy ở trường do những điều cấm kỵ ngăn cản việc thảo luận chúng.

Dữ liệu từ năm 2019 cho thấy, cứ 5 người ở Turkmenistan thì có 1 người tin rằng bạo lực thể chất đối với phụ nữ là chính đáng nếu phụ nữ rời khỏi nhà mà không có sự cho phép của chồng.

Để đảm bảo giới trẻ Turkmenistan được tiếp cận thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi, UNFPA đã ra mắt nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động có tên Yashlyk vào năm 2014. Ứng dụng này bao gồm các bài viết, video như "Cơ thể của tôi", "Mối quan hệ của tôi", "Kỹ năng".

Trong 2 năm qua, Yashlyk đã thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem và lượng truy cập đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2022. Aylar, một học sinh 15 tuổi dùng Yashlyk, cho biết cô thấy nền tảng này hữu ích.

Cô chia sẻ: "Nó trả lời rất nhiều câu hỏi và cung cấp thông tin mà không phải lúc nào chúng tôi cũng được thảo luận cởi mở ở trường hoặc ở nhà".

Nguồn: UNFPA

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dung-cong-nghe-de-trao-quyen-cho-phu-nu-20240731182648746.htm