Đừng đánh đồng kiệt sức và chán việc

Nhiều người cho rằng burnout và chán việc là một vấn đề. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý và công sở cho rằng đây là 2 trạng thái khác nhau, cần được xử lý theo cách riêng.

 Cấp quản lý cần có hướng xử lý riêng cho nhân sự burnout và chán việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Cấp quản lý cần có hướng xử lý riêng cho nhân sự burnout và chán việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Sau ngày dài làm việc, hai nhân viên bước ra khỏi văn phòng. Sự mệt mỏi thể hiện rõ qua ánh mắt phờ phạc và dáng đi lê bước. Thoạt nhìn, họ dường như ở trạng thái giống nhau, nhưng sự thật lại có chút khác biệt.

Một người đang trong trạng thái burnout vì công việc - kiệt quệ, lo lắng triền miên, thậm chí đến mức ngã bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Bên còn lại chỉ đang chán nản khi phải vật lộn với những vấn đề khó giải quyết được giao mỗi ngày.

Nhiệm vụ của cấp quản lý là hiểu rõ sự khác biệt giữa 2 kiểu trạng thái trên và sử dụng chiến lược phù hợp nhằm hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm. Nếu không, tình trạng sẽ tệ đi, ảnh hưởng đến năng suất chung hoặc nhà điều hành chỉ tốn công vô ích, theo Fast Company.

 Kiệt sức và chán việc có nhiều biểu hiện chung, song tính chất lại khác biệt. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Kiệt sức và chán việc có nhiều biểu hiện chung, song tính chất lại khác biệt. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Cách phân biệt

Năm 1999, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberge đã định nghĩa burnout là tình trạng không còn động lực để tiếp tục cố gắng, đặc biệt là khi những cố gắng trong quá khứ đã không đem lại kết quả như mong muốn.

Trong một nghiên cứu được tiến hành năm 2011, burnout đã được sử dụng để giải thích cho những biểu hiện căng thẳng và áp lực trong công việc.

Nó là một vấn đề thuộc về sức khỏe tinh thần, thế nhưng đi kèm theo đó có thể là những bệnh lý về thể chất của con người.

Quá trình burnout thường diễn biến như sau:

Làm việc nhiều hơn
Bắt đầu thờ ơ với chính mình
Bỏ qua các giá trị quen thuộc trong đời sống
Tìm cách đổ lỗi cho mọi rắc rối, thay vì chịu trách nhiệm
Hạn chế tiếp xúc với những mối quan hệ xã hội
Không còn cảm nhận được những giá trị của bản thân, cảm thấy trống rỗng
Buồn phiền, thất vọng và kiệt sức

Trong khi đó, trạng thái chán nản thông thường có những biểu hiện nhẹ hơn: khó tìm cảm hứng trong công việc, dễ mất bình tĩnh khi gặp nhiệm vụ khó, cảm thấy công ty không còn là nơi đáng gắn bó… Tuy nhiên, nếu không sớm được giải quyết, sự chán nản có thể phát triển thành burnout.

Để xác định ai rơi vào nhóm nào, các tổ chức nên lắng nghe nhu cầu của người lao động một cách nghiêm túc hơn.

Điều này có thể bao gồm việc triển khai các chiến lược mới, chẳng hạn phân tích lực lượng lao động để hiểu được tình trạng nhân sự trong tổ chức.

Đôi khi, những nhân viên chán nản đang “ẩn mình trong tầm mắt” và chờ đợi được phát hiện khi cấp quản lý xem xét kỹ lưỡng dữ liệu về nhân sự và năng suất trong các tháng trở lại đây.

Ngoài ra, liên kết với đơn vị chuyên về sức khỏe tâm thần tại chốn công sở để thực hiện khảo sát diện rộng một cách định kỳ cũng là phương án phù hợp.

Khi nắm bắt tình hình, các nhà lãnh đạo có trách nhiệm giúp đưa cả hai nhóm trở lại trạng thái ổn định, cũng như nỗ lực tạo ra môi trường làm việc an toàn với sức khỏe tinh thần chung.

Đây có thể là lợi thế cạnh tranh để thu hút nhân tài của chính doanh nghiệp khi được đặt lên bàn cân với các đối thủ trong cùng lĩnh vực.

 Doanh nghiệp cần chú tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi, khuyến khích nhân sự chăm sóc đời sống tinh thần. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Doanh nghiệp cần chú tâm đến nhu cầu nghỉ ngơi, khuyến khích nhân sự chăm sóc đời sống tinh thần. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Phương án hỗ trợ

Để hỗ trợ nhân sự burnout, đưa việc nghỉ ngơi và phục hồi vào quy trình làm việc là bước quan trọng đầu tiên.

Khi cường độ của hầu hết việc làm đều tăng cao để đáp ứng sự phát triển chung, quá trình giải lao, nạp năng lượng phải được đặc biệt chú trọng.

Nghiên cứu gần đây của Microsoft cho thấy chỉ cần cá nhân nghỉ ngơi một chút giữa các cuộc họp, năng suất hoạt động não bộ của họ cải thiện đáng kể và giảm mức căng thẳng.

Bên cạnh đó, các tổ chức cần xem xét đánh giá lại hệ thống chăm sóc tinh thần cho nhân viên dựa trên một số câu hỏi như:

PTO (nghỉ phép có lương) và những ngày nghỉ ốm có được cung cấp theo cách mà mọi người thực sự cần không?
Các hành vi lành mạnh, giảm căng thẳng như tập thể dục đã được khuyến khích chưa?
Nhóm lãnh đạo có khuyến khích nhân viên kiệt sức nghỉ ngơi và hồi phục, hay họ thiếu sự đồng cảm và tiếp tục thúc đẩy?
Quản lý đã làm gương về ranh giới lành mạnh giữa công việc và cuộc sống chưa? Hay chính họ cũng đang phải vật lộn với tình trạng kiệt sức?

Trong khi đó, hướng xử lý cho nhân viên chán nản cần được thay đổi đôi chút. Theo Melissa Swift, nhà lãnh đạo chuyển đổi ở khu vực Bắc Mỹ, nhóm này có những vấn đề sâu sắc, lâu dài.

Họ thường phải gánh quá nhiều trách nhiệm cùng lúc, dẫn đến tình trạng uể oải, khó tìm được cảm hứng cụ thể. Do đó, bà Swift cho rằng tổ chức lại hệ thống công việc có thể là phương án đáng cân nhắc.

“Nhà quản lý nên xem xét lại cấu trúc lương thưởng, cả về số tiền và cách nhân sự được trả công. Động thái này phần nào tạo ra tác động tích cực đối với những nhân viên đang chán nản.

Ngoài ra, ban điều hành cũng phải chú ý xây dựng các hoạt động cải thiện tinh thần cho người lao động, hơn đơn giản là đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, xả stress chính đáng của họ sau giờ làm”, chuyên gia nói thêm.

Hoàng Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-danh-dong-kiet-suc-va-chan-viec-post1430914.html