Có chính sách thông thoáng hỗ trợ làng nghề Hà Nội phát triển
Sáng 5-7, UBND thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại làng nghề trên địa bàn thành phố.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại chủ trì hội nghị.
Nhiều vấn đề "nóng"
Hiện, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; bánh kẹo, dệt kim La Phù; chế biến nông sản, thực phẩm Minh Khai (huyện Mỹ Đức); cơ khí nông cụ Phùng Xá; đồ mộc - may thôn Hữu Bằng (huyện Thạch Thất); mỹ nghệ Thiết Úng (huyện Đông Anh); giày da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên)...
Dù vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) bày tỏ mong muốn được thành phố tháo gỡ khó khăn, nhất là về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hồng Kông (Trung Quốc); tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Còn ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phú Thành Phát (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) nêu: “Lao động ở các làng nghề hiện chủ yếu là người già, nông dân, sản xuất mang tính chất “cha truyền, con nối”, chưa được đào tạo bài bản. Tôi đề nghị thành phố hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề để nâng cao kỹ thuật, tay nghề, khuyến khích người dân tham gia học tập, sản xuất, làm nghề thủ công truyền thống”.
Ông Nguyễn Duy Thành, làng nghề sản xuất bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) mong muốn được thành phố chấp thuận đầu tư xây dựng khu trải nghiệm làng nghề để quảng bá sản phẩm và đón khách tham quan.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất tranh thêu tay truyền thống Xuân Nguyên (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đề nghị được hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; được đào tạo, tập huấn bán hàng online để tranh thủ lợi thế tiêu dùng hiện đại...
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, trong quá trình chuẩn bị hội nghị đối thoại, các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp, sàng lọc hơn 50 lượt ý kiến, kiến nghị của 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất, tập trung vào 3 nhóm vấn đề, đó là: Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Tháo gỡ khó khăn
Trước băn khoăn của các hộ sản xuất, đại diện các sở, ngành làm rõ từng nội dung. Với kiến nghị của bà Nguyễn Thị Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hằng năm, Sở đều tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, làng nghề Hà Nội ở nước ngoài. Doanh nghiệp tham gia được hỗ trợ dưới 2 hình thức: Nếu tham gia hội chợ, sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí gian hàng; nếu tham gia xúc tiến thương mại, được hỗ trợ vé máy bay. Năm 2024, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại và sẽ thông tin sớm để các doanh nghiệp tham gia.
Liên quan đến ý kiến của bà Lương về mặt bằng sản xuất, đại diện Sở Công Thương cho biết, Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Phú Xuyên) đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, đang thu hút doanh nghiệp vào hoạt động. Sở đề nghị huyện Phú Xuyên tiếp tục tuyên truyền để các hộ sản xuất trong khu dân cư vào cụm sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thêm, với kiến nghị về việc tiếp cận vốn vay ưu đãi của bà Lương, thành phố Hà Nội hiện có Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội. Nếu doanh nghiệp của bà Lương và các doanh nghiệp làng nghề khác có nhu cầu vay vốn thì liên hệ với quỹ này để được hướng dẫn thủ tục.
Liên quan đến công tác đào tạo nghề, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trước đây, thành phố đào tạo theo danh mục nghề sẵn có. Hiện nay, Sở nắm bắt và cập nhật nhu cầu đào tạo theo thực tế của người lao động gắn với giải quyết việc làm. Năm 2024, Sở xây dựng Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, trình HĐND thành phố thông qua làm cơ sở để triển khai thực hiện từ năm 2025, dự kiến mức hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ của trung ương...
Về kiến nghị của ông Nguyễn Duy Thành liên quan đến dự án xây dựng khu trải nghiệm làng nghề, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết chưa nhận được hồ sơ nào. Nếu đại biểu quan tâm sẽ được hướng dẫn gửi đúng địa chỉ để được giải quyết.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại, năm 2024, UBND thành phố ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và giao Sở thực hiện 2 nội dung. Một là, tổ chức chương trình phối hợp hoạt động của Sở với Hội đồng thủ công thế giới. Hai là, tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ Formex tại Thụy Điển. Nội dung phối hợp này có thể giúp làng nghề có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các thành phố khác, từ đó nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, làng nghề cũng có cơ hội nhận hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nhân lực.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, những kiến nghị, đề xuất của các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề còn là những gợi ý về giải pháp có tính thực tiễn gửi gắm các cấp, ngành của thành phố, nhất là thành phố đang tập trung triển khai Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn.
Sẽ có chính sách thông thoáng
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Thời gian tới, thành phố có chính sách thông thoáng hơn để người sản xuất tại làng nghề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường thuận lợi hơn.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thành phố luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền và hỗ trợ doanh nghiệp… Các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đạivới hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.