Đừng đánh trống bỏ dùi
BP - Dự kiến trong tháng 10 này, Hà Nội chính thức thí điểm cấm hút thuốc lá tại 30 điểm du lịch nổi tiếng. Nếu người dân, du khách vi phạm có thể bị phạt 300 ngàn đồng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, khoảng cách luật và đời sống còn khá xa. Vì vậy, cam kết triển khai mô hình du lịch không khói thuốc vừa được quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội triển khai đang thành tâm điểm dư luận quan tâm với câu hỏi đặt ra: Giải pháp nào để luật đi vào đời sống và được mọi người dân cùng du khách đến với thủ đô đồng lòng hưởng ứng?
30 địa danh được thí điểm trở thành nơi tham quan không khói thuốc đều rất nổi tiếng tại Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá; đình Yên Thái, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn... Trước đó, các thành phố du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Huế cũng đã triển khai mô hình thành phố không thuốc lá nhưng chưa có sơ kết đánh giá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá là tác nhân gây ra cái chết cho khoảng 6 triệu người mỗi năm. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất với hàng trăm loại chất độc, 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Ngoài ra, thuốc lá là thủ phạm gây ra ung thư miệng, tổn thương răng lợi, gây rụng tóc, đục thủy tinh thể, dễ gãy xương, bệnh tim mạch và rối loạn tình dục. Dự báo đến năm 2020, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên trái đất với 10 triệu người mỗi năm. Nếu không có biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá hiệu quả, trong thế kỷ này, thuốc lá sẽ giết chết 1 tỷ người. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc lá thụ động. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hút thuốc lá tại những nơi cấm sẽ bị phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng; nhà hàng không có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng; bán thuốc lá không có giấy phép bị phạt từ 15-20 triệu đồng và phạt từ 20-30 triệu đồng nếu tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Ngoài ra, biển “không hút thuốc lá”, “cấm hút thuốc lá” nhan nhản khắp các điểm công cộng, bệnh viện, trường học, công sở... nhưng chẳng ai nhắc nhở hay xử phạt, nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng địa điểm không khói thuốc lá là tạo nên hình ảnh văn minh, hiện đại, an toàn, góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch. Ý nghĩa lớn lao hơn là thực hiện một chính sách nhân văn, vì sức khỏe của người dân và của cả cộng đồng. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Hút thuốc lá thụ động là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi đối với trẻ em và 70% là bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, đang là gánh nặng lớn nhất hiện nay. Nhưng đấu tranh chống khói thuốc lá không dễ thực hiện.
Vì vậy, chỉ biển báo khuyến cáo tác hại của khói thuốc lá là chưa đủ. Việc xử phạt nếu người dân và du khách vi phạm phải có giải pháp cụ thể, khả thi và đủ sức răn đe. Như vậy mới hy vọng chương trình điểm du lịch không khói thuốc lá của quận Hoàn Kiếm thành công, từ đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dung-danh-trong-bo-dui-512915