Đừng đặt gông cùm lên vai HLV Park Hang-seo và các cầu thủ
Không một cá nhân đơn lẻ nào có thể đưa bóng đá Việt Nam trở thành thế lực châu Á trong một đêm. Điều quan trọng nhất lúc này là đánh thức khao khát chiến đấu và tình yêu bóng đá.
Đừng đặt gông cùm lên vai HLV Park hang-seo và các cầu thủ
Trước trận chung kết bóng đá nam ASIAD, có lẽ các cầu thủ Olympic Hàn Quốc khó ngờ rằng cách đó hơn 4 giờ bay, quốc tịch của ông Park Hang-seo đã bị một số người đem ra để lý giải cho thất bại của tuyển Việt Nam. Khi tiếng còi trên sân Pakansari kết thúc ngày 29/8, các cầu thủ Việt Nam đổ gục xuống sân, vì thất vọng và mệt mỏi sau 210 phút thi đấu trong ba ngày. Thắng Việt Nam 3-1, Olympic Hàn Quốc với ngôi sao Son Heung-min giành quyền vào chung kết, đồng thời có cơ hội được miễn nghĩa vụ quân sự. Ngay từ lúc đó, những "anh hùng bàn phím" ở Việt Nam bắt đầu làm việc.
Họ lên tiếng phê phán lối chơi của đội tuyển, nghi ngờ động cơ trong việc lựa chọn đội hình xuất phát, đồng thời đổ lỗi cho cả quốc tịch của ông Park Hang-seo. Người hùng của bóng đá Việt mới cách đó ba ngày, theo họ, cố tình thua để nhường cơ hội giành huy chương vàng cho mẫu quốc.
Bóng đá là cuộc chơi kì lạ, mà trong đó khoảng cách từ người hùng đến tội đồ chỉ cách nhau một vài cm từ mép xà ngang và cột dọc. Nhưng bóng đá cũng là một môn thể thao mang tính khoa học, được chuyên môn hóa rất cao. Có bất ngờ trong ngắn hạn, nhưng ở trung hạn và dài hạn, thành công là một quá trình.
Người Hàn Quốc, trước khi đến Indonesia hai tháng, đã sướng phát điên khi đánh bại đương kim vô địch thế giới lúc đó là Đức với tỷ số 2-0. Nhưng đội bóng hàng đầu châu Á cũng bị loại ngay từ vòng bảng, cùng với Đức.
Người Hàn hiểu rằng dù là đội bóng số một khu vực, họ vẫn không là gì khi đối đầu với các cường quốc bóng đá châu Âu hay Nam Mỹ. Một trận đấu, hay thậm chí là cả giải đấu như cách mà "Các chiến binh Taegeuk" lọt đến vòng bán kết World Cup vào năm 2002 ở sân nhà, không thể thay đổi một sớm một chiều.
Nhưng có sự khác biệt nào đó trong thái độ trong thất bại của người Hàn trước đội Đức ở bán kết World Cup và người Việt trước trận thua của Olympic Việt Nam trước chính Hàn Quốc năm 2018.
Nhiều người thể hiện sự thất vọng, thay vì niềm vui và tự hào, khi đội bóng của mình thất bại trước một đội mạnh hơn mình về mọi mặt. Sự thất vọng này đến từ kỳ vọng quá lớn: mọi người đều muốn tuyển quốc gia nhanh chóng thành công trong một hay vài giải đấu. Đứng đầu châu Á, và sau đó là vào luôn World Cup 2022.
Không ai đánh thuế giấc mơ, nhưng giấc mơ không dựa trên thực tế thì là ảo tưởng. Người Thái có lẽ hiểu điều này hơn bao giờ hết. Một đội tuyển quốc gia thành công, không chỉ trong một giải đấu mà là ổn định trong một thời gian dài, cần có nền tảng tốt.
Tiền, lực và thất bại
Trước World Cup, tạp chí Economist xây dựng một mô hình giải thích vì sao các quốc gia thành công trong bóng đá. Theo đó, thành tích trung bình của Trung Quốc đã vượt quá kì vọng thực sự từ năng lực của họ. Việt Nam, theo mô hình này, vẫn còn cơ địa để phát huy tối đa tiềm năng, dựa trên mức độ phát triển kinh tế, niềm đam mê bóng đá, sức mạnh của giải vô địch quốc gia, và đầu tư vào các tài năng trẻ. Một trong những cách để phát huy tối đa tiềm năng đó là đưa những HLV giỏi như ông Park Hang-seo về.
Nhưng Trung Quốc hay các nước Ả-rập cũng từng làm như vậy, và thất bại. Economist giải thích rằng các nước này thực ra đang rơi vào trạng thái "bẫy thu nhập trung bình" của bóng đá, theo đó họ nhanh chóng sao chép công nghệ từ các nền bóng đá phát triển nhưng không thay đổi cơ chế phát triển toàn bộ nền bóng đá.
Một HLV giỏi có thể đem đến những chiến thuật xuất sắc, khơi dậy tinh thần chiến đấu, nhưng không thể tạo ra những cầu thủ trẻ sáng tạo. Trung Quốc trả cho Marcello Lippi 28 triệu USD/năm, nhưng họ thua Syria 0-1 trong trận quyết định để vào vòng play-off.
Ông Lippi không tạo ra được ở Trung Quốc những lò đào tạo trẻ chất lượng như của Juventus hay Napoli, cũng không thể khuyến khích được bố mẹ cho phép trẻ em chơi bóng đá chuyên nghiệp, khi những scandal bán độ phủ đen bóng đá nước này trong những năm 2000.
Có một câu chuyện cười về bóng đá nổi tiếng ở Trung Quốc. Một người đi gặp Bụt và được ông cho một điều ước. “Ông có thể giúp giá đất ở Trung Quốc thấp hơn được không?” người này hỏi. Nhận thấy vẻ trầm tư của Bụt, anh này đành hỏi lại, “Vậy thôi, xin Bụt giúp cho tuyển quốc gia vào vòng chung kết World Cup cũng được”. Nghe xong, Bụt thở dài và bảo: “Nào, chúng ta hãy nói về giá đất”.
Trung Quốc mới chỉ có một lần duy nhất dự World Cup vào năm 2002, và kể từ đó, nền bóng đá nước này kinh qua nhiều biến động tiêu cực. Họ thất bại liên tiếp trong những giải đấu trẻ, còn đội tuyển quốc gia thất thế trước cả những đội Tây Á như Iran và Saudi Arabia, hay Đông Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc Australia tham gia vào AFC khiến cho hy vọng tham dự World Cup lần hai của Trung Quốc càng trở nên mịt mù hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đặt mục tiêu trở thành “siêu cường bóng đá” vào năm 2050, và đầu tư rất nhiều tiền của vào hệ thống đào tạo trẻ khắp các tỉnh thành.
Các câu lạc bộ Trung Quốc, với tiềm lực tài chính, thu hút hàng loại ngôi sao lẫn HLV tài năng đến nước nay làm việc. Các doanh nghiệp lớn Trung Quốc mua lại các đội bóng ở châu Âu, từ đó cố gắng tạo cơ sở cho các tài năng trẻ Trung Quốc đào tạo.
Nhưng tất cả những cách làm đó chưa mang lại hiệu quả. Bóng đá được ưu thích và kì diệu ở chỗ tiền không đồng nghĩa với thành công. Cũng không thể dễ dàng nhận diện các ngôi sao tiềm năng.
Trung Quốc rất mạnh trong các môn thể thao cá nhân, từ bóng bàn, cầu lông, bơi lội, cho đến điền kinh, bởi đây là những môn phụ thuộc rất lớn vào lợi thế cơ thể và khả năng phát hiện từ sớm. Nhưng bóng đá thì khác. Đó là môn thể thao đồng đội, và tài năng nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố thể chất.
Lionel Messi, có lẽ là cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại, chắc chắn sẽ bị loại khỏi các lò đào tạo ở Trung Quốc vì thể chất không đảm bảo. Cách tiếp cận truyền thống dựa trên thể chất của Trung Quốc không thể áp dụng trong môn thể thao vua.
Đánh thức khao khát và tình yêu
Một trong những yếu tố quyết định đến thành công là đam mê của công chúng. Nếu bóng đá được chơi trên đường phố ở Brazil, là “quốc giáo” ở Argentina, hay được khao khát mỗi cuối tuần ở Anh, thì nó sẽ thúc đẩy những đứa trẻ chơi bóng nhiều hơn. Chỉ qua quá trình đó, tài năng mới được phát hiện. Những cầu thủ nhí, khi được hỗ trợ bởi các câu lạc bộ chuyên nghiệp, được thi đấu trong những hệ thống giải đấu cạnh tranh, công bằng, và có lợi nhuận, sẽ có đủ điều kiện để phát triển. Khi không ai quan tâm đến giải vô địch quốc gia, người dân hờ hững với bóng đá, thì rất khó để có một đội tuyển quốc gia mạnh.
Nói vậy để thấy một mình ông Park không thể đưa bóng đá Việt Nam trở thành thế lực châu Á trong một đêm. Ông chỉ có thể giúp các cầu thủ chơi đúng với năng lực của mình, và với chúng ta, như vậy đã là quá đủ.
Ông đánh thức giấc mơ, khao khát chiến đấu, và quan trọng nhất, là tình yêu bóng đá với đội tuyển quốc gia bị ngủ quên bởi người Việt.
Sau giải U23 châu Á đầu năm, V-League được quan tâm trở lại, và bóng đá trẻ được chú trọng. Những cầu thủ trẻ giờ đây mơ được sống đầy đủ và hạnh phúc với vinh quang của bóng đá. Những điều này là nền tảng cho thành công của tương lai.
Nhưng tất nhiên, tương lai là một chặng đường dài, mà một đội U23 không thể đi hết được. Chúng ta nên hạnh phúc và trân trọng những đóng góp của họ, cổ vũ vì họ thi đấu hết mình, nhưng không nên đặt gông cùm trên đôi vai các cầu thủ. Bởi niềm vui được xem tuyển quốc gia thi đấu hết mình, ở bất kỳ quốc gia nào, là hạnh phúc không phải ai cũng có được.
Nếu không tin, bạn hãy nhìn sang Trung Quốc.
Illustration: Như Ý