Đừng để bệnh nhân ung thư suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng
Đối với bệnh nhân ung thư, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài và cải thiện chất lượng sống. Bởi tế bào ung thư 'ngốn' năng lượng mạnh khiến nhu cầu năng lượng cơ thể tăng. Tuy nhiên, cơ thể bệnh nhân cũng tiết ra một số loại hormon khiến bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn; quá trình điều trị cũng làm tổn thương đường tiêu hóa gây khó khăn và đau khi ăn uống… Do vậy người bệnh ngại ăn, dẫn đến không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể nên có tới 50-80% người bệnh ung thư bị sụt cân và khoảng 30% bệnh nhân tử vong do suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do ung thư.
Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là phải bảo đảm đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng thực phẩm. Việc cung cấp đủ dinh dưỡng có thể thực hiện theo cách chia nhỏ bữa và kiên nhẫn động viên bệnh nhân ăn. Có thể nấu mềm thực phẩm để dễ hấp thu, ưu tiên các thức ăn, nước uống bằng con đường tự nhiên, chỉ khi không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân thì mới cần sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng điều trị.
Đặc biệt, chế độ ăn của bệnh nhân ung thư phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc cân bằng: Ngũ cốc để cung cấp năng lượng, thịt cá cung cấp protein, dầu mỡ cung cấp chất béo, rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất. Chế độ ăn kiêng không phù hợp với người bệnh ung thư vì sẽ thiếu hụt protein trong việc xây dựng các cấu trúc cơ thể, xây dựng tế bào mới, tham gia các chức năng miễn dịch…
Có thể can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng cách bổ sung các loại sữa chuyên biệt, giàu năng lượng. Tuy nhiên, tùy từng người, từng bệnh ung thư lại có những yếu tố khác nhau, do đó bệnh nhân nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn, trao đổi và thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho riêng mình.