Đừng để các di tích lịch sử - văn hóa bị hoang phế

Hoang lạnh, cây cối mọc um tùm, bịt kín lối vào là ghi nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm quan một số di tích lịch sử của huyện Mường La.

Bức tường tại Đồn Pom Pát, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong (Mường La) đang ngày càng xuống cấp.

Bức tường tại Đồn Pom Pát, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong (Mường La) đang ngày càng xuống cấp.

Dường như bị lãng quên, các bức tường rêu phong ở Đồn Pom Pát, tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong ngày ngày bị bào mòn trong mưa nắng, lối vào bị che khuất bởi hàng rào xương rồng gai. Bên trong, cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu rằng nó từng được phát dọn. Theo Địa chí Sơn La, hệ thống Đồn Pom Pát do thực dân Pháp xây dựng kiên cố trên diện tích gần 1 ha vào cuối năm 1950, đầu năm 1951. Riêng khu công sự diện tích 4.800 m², có tường bao quanh cao 3,2 m, rộng 0,8 m, phía trên gắn hàng rào dây thép gai bảo vệ. Cách 1 mét tường có 1 lỗ châu mai, cứ 10-12 lỗ châu mai có 1 lô cốt đặt súng trung liên. Trung tâm Đồn là hầm chỉ huy có hào giao thông dẫn ra lô cốt chỉ huy. Đồn Pom Pát được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 28/4/2006.

Ông Lò Văn Sắm, Tiểu khu trưởng tiểu khu Hua Ít, cho biết: Từ trước đến nay, rất hiếm khi thấy có du khách đến tham quan di tích Đồn Pom Pát. Di tích đang ngày càng bị xuống cấp, một phần do tác động của môi trường và phần nhiều là do người dân trước kia trồng rau màu làm ảnh hưởng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm có phương án bảo tồn, khôi phục di tích để phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Cũng gần như bị lãng quên, mặc dù cách thị trấn Ít Ong không xa, nhưng để đến di tích khảo cổ - thắng cảnh hang Co Noong khá khó khăn. Chúng tôi phải bỏ lại xe máy và mất gần một giờ đồng hồ để trèo bộ mới tới được cửa hang. Đây là một hang động lớn, được phát hiện năm 1997 và xếp hạng Di tích cấp tỉnh vào ngày 28/4/2008. Trong quá trình khai quật đã phát hiện và thu thập 11 di vật bằng đá và 4 mảnh gốm thô pha cát trên mặt nền hang, hé lộ bí ẩn về cuộc sống của cư dân cổ cách ngày nay 11.000 năm. Từ cửa hang nhìn ra bên ngoài, quan sát được cả công trình thủy điện Sơn La, thị trấn Ít Ong và vùng hạ lưu sông Đà... Chứa đựng nhiều tiềm năng, nhưng hang Co Noong cũng chưa được quan tâm bảo tồn, thậm chí nhiều thạch nhũ trong hang đã và đang bị xâm hại.

Ông Trần Hải Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, thông tin: Chúng tôi đã giao cho bộ phận chuyên trách của xã đảm nhận công tác bảo vệ, khoanh vùng di tích, tuyên truyền, vận động nhân dân không chăn thả gia súc, trồng cây cối, gây ảnh hưởng đến các di tích này... Tuy nhiên, đây cũng là những điểm hoang sơ, chưa được đầu tư, tôn tạo, đường đi khó khăn gây cản trở cho công tác bảo vệ. Mong muốn các cấp, các ngành chức năng quan tâm quy hoạch chung về du lịch trên địa bàn, xem xét đầu tư, tôn tạo, làm đường kết nối các điểm thăm quan, tăng cường quảng bá thu hút du khách đến thăm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều thạch nhũ trong hang Co Noong, thị trấn Ít Ong (Mường La) bị xâm hại.

Nhiều thạch nhũ trong hang Co Noong, thị trấn Ít Ong (Mường La) bị xâm hại.

Trên địa bàn huyện Mường La hiện có 4 di tích lịch sử, gồm: Di tích Đồn Pom Pát (thị trấn Ít Ong); Đồn Mường Chiến (xã Ngọc Chiến); Pom Đồn (xã Mường Trai); Lũng Đán Đanh (xã Mường Chùm) và 1 di tích danh thắng là hang Hua Bó, xã Mường Bú, 1 di tích khảo cổ - thắng cảnh hang Co Noong, thị trấn Ít Ong. Cả 6 di tích được công nhận xếp hạng là di tích cấp tỉnh, nằm ở trung tâm các xã, thị trấn; có tiềm năng khai thác phục vụ các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tham quan danh thắng phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, từ khi được công nhận, tất các các di tích này đều chưa được trùng tu, tôn tạo.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện việc khoanh vùng, cắm mốc địa giới khu vực di tích. Tuy nhiên, dù đã có kế hoạch tôn tạo một số di tích gắn với các hoạt động tham quan du lịch, như Đồn Mường Chiến, gắn với du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến; Đồn Pom Pát, hang Co Nong, thị trấn Ít Ong, gắn với điểm du lịch công trình thủy điện Sơn La, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện, công tác bảo tồn chủ yếu xoay quanh việc tuyên truyền. Chúng tôi cũng đôn đốc các xã, thị trấn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để thành lập Ban quản lý di tích và tiếp tục đề xuất với cấp trên để bố trí nguồn vốn đầu tư.

Việc bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa là trách nhiệm của cả cộng đồng, song đầu tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Hy vọng các tiềm năng vô giá này sẽ sớm được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị trong thời gian tới.

Thủy Tiên

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dung-de-cac-di-tich-lich-su--van-hoa-bi-hoang-phe-38246