Đừng để chợ nổi 'chìm' theo thời gian
Chợ nổi vốn là tập quán sinh hoạt đặc trưng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khởi điểm chỉ là phục vụ giao thương của người dân địa phương, sau này mới hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Đáng tiếc, nét văn hóa này đang đối mặt với nguy cơ mai một.
Chợ nổi ngày càng “chìm”?
Nhiều người nhận định rằng chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) ngày càng ít ghe thuyền kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Chợ nổi vốn là nét văn hóa riêng của ĐBSCL, là hình thức họp chợ, mua bán của cư dân, giống như chợ phiên ở những làng quê vùng đồng bằng trên bộ; chỉ khác ở chỗ được tổ chức trên sông trên các loại ghe, xuồng, thuyền. Hàng hóa ở đây chủ yếu là các loại nông sản từ rau củ, trái cây cho đến lúa gạo, hàng tạp hóa, các món ăn, đồ uống.
Tại những tuyến giao thông đường thủy chính, gần khu vực có hệ thống giao thông đường bộ chưa thật sự phát triển, các chợ nổi được hình thành như: Cái Bè (Tiền Giang); Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ); Ngã Bảy (Hậu Giang); Trà Ôn (Vĩnh Long); Ngã Năm (Sóc Trăng); Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang); Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau); Vĩnh Thuận (Kiên Giang)…
Trong đó, chợ nổi Cái Răng được đông đảo du khách biết đến khi tới miền Tây. Năm 2016, “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Được biết, 70% khách du lịch đến Cần Thơ đều đã tham quan chợ nổi Cái Răng.
Hàng năm, số lượng du khách đến chợ nổi này ước đạt 750.000 lượt khách. Hằng ngày, vào giờ cao điểm có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan.
Đáng nói, theo Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cách đây vài chục năm, mật độ nhóm họp chợ nổi Cái Răng từ 500 – 600 tàu, ghe; đến nay chỉ còn khoảng 350 - 400 tàu, ghe. Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) cho biết: “Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20 - 30 tàu, ghe thì đến năm 2035, 2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất”.
Chưa kể, do quản lý còn lỏng lẻo, tình trạng người dân trên ghe, thuyền xả rác trực tiếp xuống sông gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay. Các trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi… trở thành yếu tố hạn chế luồng lạch, gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Mặt khác, khi đường bộ ngày càng phát triển, nhiều hộ dân đã di chuyển lên bờ, khiến hoạt động giao thương trên sông nước có phần giảm sút. Còn các trải nghiệm cho du khách cũng không có gì mới mẻ, trong đó chủ yếu là các dịch vụ ăn uống. Các ghe bán nước uống, đồ ăn trên sông nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ thực phẩm không an toàn vệ sinh. Thực trạng đáng lo ngại này đang khiến nhiều chợ nổi miền Tây, trong đó có chợ nổi Cái Răng, trở nên mai một dần.
Giúp người dân “bám nghề”
Mới đây, trong Hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng” do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP Cần Thơ, đa số các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đều đồng tình với giải pháp bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch chợ nổi Cái Răng trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên: “Thương hồ - nhà nông – du khách – nhà nước”.
Đáng chú ý, bản chất của chợ nổi là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông nước giữa các thương hồ. Do vậy, chỉ khi có thương hồ thì mới có chợ nổi. Nói cách khác, nếu thương hồ không còn muốn “bám nghề”, tự nhiên phiên chợ sẽ dần vắng vẻ, mai một.
Trên quan điểm đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã áp dụng triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thương hồ chợ nổi Cái Răng ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập. Các giải pháp từ việc hỗ trợ vốn vay, tổ chức thu gom rác trên sông, hỗ trợ nước sạch và trợ giá…; đến việc tập huấn cho các thương hồ cách biểu diễn đờn ca tài tử, cũng như kiến thức về về văn hóa, ghe, tàu để nói chuyện với du khách; cho trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi…
Đối với nhà nông – phía cung cấp hàng hóa nông sản cho các thương hồ, thành phố đã chỉ đạo xây dựng các mô hình chợ đầu mối nông sản, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi.
Trong đó, các sáng kiến ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thu hoạch nông sản được khuyến khích, ưu tiên, nhằm giảm thiểu thất thoát sản lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Còn đối với du khách, chính quyền địa phương đã cho xây dựng các quầy hàng nổi, nhà vệ sinh công cộng trên sông, niêm yết giá bán thống nhất, cũng như công bố bộ quy tắc ứng xử chung.
Với góc độ quản lý nhà nước, TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” với 2 giai đoạn chính: 2016-2018 và 2019-2020. Đề án này bao gồm 13 hạng mục công trình trọng điểm như: xây dựng hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông, duy trì các hoạt động mua bán trên sông, trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông…
Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu các mô hình tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử trên ghe thương hồ, nhằm tái hiện bối cảnh chợ xưa, tăng thêm trải nghiệm của du khách; hoặc mô hình chợ nổi về đêm, nhằm khai tác nền kinh tế ban đêm…
Vấn đề bảo tồn văn hóa chợ nổi đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Nhiều hành động đã được thực hiện nhưng vẫn chưa ngăn được sự “thoái trào” của nét văn hóa sinh hoạt truyền thống này. Với chợ nổi như Cái Răng, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho biết, trước đây khi bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, khi du lịch chợ nổi phát triển mạnh mẽ, chính quyền địa phương di dời các chợ nổi với lý do cản trở giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường…
Thời điểm đó, chợ nổi Cái Răng được di dời không xa, liền kề với chợ trên bờ, với nhà vựa, được hưởng lợi từ các đợt di tản của giới thương hồ ở chợ nổi Ngã Bảy, Trà Ôn, Phong Điền…; do đó có nhiều lợi thế để tiếp tục phát huy sức sống, thu hút khách thập phương. Nhưng nhiều chợ nổi khác không được may mắn như vậy, các chợ nổi tự nhiên bị đưa ra xa chợ trên bờ, giao thương yếu kém, rồi dần biến mất do thương hồ di chuyển đi nơi khác.
Đến năm 2020, chợ nổi Cái Răng dù vẫn là một chợ nổi có quy mô lớn ở Việt Nam nhưng do dịch kéo dài, hoạt động du lịch, mua bán nơi đây đã không còn sầm uất như xưa.
Nhiều du khách đến chợ nổi cho biết họ yêu thích sự dân dã, tự nhiên, tự do của chợ nổi chứ không phải một không gian hoành tráng với các công trình bê tông đồ sộ. Nhưng nếu không được quản lý một cách hiệu quả, chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi miền Tây nói chung sẽ chỉ phát triển manh mún, lộn xộn, “mạnh ai nấy làm”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trật tự, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, thậm chí dễ đối mặt với bờ vực “biến mất”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/dung-de-cho-noi-chim-theo-thoi-gian-551394.html