Đừng để chuyện nhỏ nhặt vượt tầm kiểm soát
Những mâu thuẫn, bất hòa lối xóm một khi được hóa giải bằng nụ cười, cái bắt tay thân ái thì nhanh chóng dừng lại. Tuy vậy, một khi hai bên không kiểm soát được thái độ, hành vi thì chẳng khác nào như mớ bùng nhùng chực chờ bén lửa, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại cơ sở.
* Mâu thuẫn từ lối hành xử thiếu văn minh
Xuất phát từ việc khách đến quán bida của hàng xóm hay qua khu đất trống giáp ranh với nhà mình tiểu bậy, chị P.U. (ngụ xã Bình Sơn, H.Long Thành) phàn nàn đến chủ quán bida nhưng không được tiếp thu. Vậy là đôi bên lời qua, tiếng lại trong một thời gian dài. Chị P.U. tiếp tục yêu cầu nhà hàng xóm chấm dứt tình trạng trên, nếu không sẽ phản ảnh sự việc ra chính quyền địa phương. Từ đó nhà của chị P.U. liên tục bị ném đá vào ban đêm.
“Tình trạng tiểu bậy kéo dài không chỉ gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến xung quanh mà còn là hành động thiếu văn minh, không tôn trọng người khác. Do đó, tôi rất cần chính quyền can thiệp để chấm dứt tình trạng này nhưng không biết có được chính quyền thụ lý không?” - chị P.U. thắc mắc.
Phía trước thửa đất nhà các ông: Đ.V.H., N.V.Y. và L.K., cùng ngụ tại ấp 1, xã Tam An (H.Long Thành) là con rạch nhỏ tự nhiên thoát nước mưa ra sông. Ông H., ông Y., ông K. thống nhất đặt cống thoát nước để lấp con rạch đi qua các thửa đất liền kề của các gia đình này. Trong quá trình đặt cống phát sinh mâu thuẫn về kích thước cống dẫn đến các bên không nhìn mặt nhau, thường xuyên tranh cãi, xung đột.
Trước thực trạng trên, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, thời gian qua ông cũng tư vấn pháp luật cho một số trường hợp chỉ vì mâu thuẫn, xích mích nhỏ giữa 2 nhà hàng xóm mà dẫn đến những hậu quả pháp lý nặng nề. Do đó, khi các bên có mâu thuẫn xảy ra cần nhanh chóng nhờ ấp, chính quyền can thiệp. Đừng để sự mâu thuẫn đó dẫn tới đỉnh điểm như câu chuyện mâu thuẫn vì 2 trái mít giữa ông C.P. và H.L. ở H.Tân Phú dẫn tới gây thương tích cho nhau.
Luật sư Nguyễn Đức kể, do ông C.P. lỡ hái 2 trái mít ở vườn nhà ông H.L., dẫn tới 2 bên cự cãi, thách thức nhau. Do không kiềm được nỗi bực dọc, ông H.L. vác cây tới điểm thu mua mít của ông P. để đánh thì ông P. cầm dao chống cự. Kết quả, ông P. bị 13% thương tật, còn ông L. là 15% thương tật.
* Đừng để sự việc vượt quá tầm kiểm soát
Theo luật sư Nguyễn Đức, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên mới đầu là sự việc dân sự, hành chính mà không tự giải quyết được thì tốt nhất các bên phải ngay lập tức nhờ ấp, chính quyền can thiệp, giúp đỡ. Đừng vì chuyện nhỏ nhặt, bức xúc của bản thân mà có hành vi chửi bới (xúc phạm danh dự, nhân phẩm), ném đá, đánh nhau (bạo lực) hoặc đe dọa (uy hiếp tinh thần)… thì dễ vướng vào tội phạm hình sự. Lúc đó, pháp luật sẽ không cho phép các bên ngồi lại thương lượng bằng hòa giải nữa.
“Tại sao các bên không thực hiện đúng quyền dân sự của mình trong giải quyết vấn đề ngay tại cộng đồng dân cư, tổ hòa giải hoặc chính quyền, tòa án mà hành xử theo lối bạo lực. Đây chính là vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi người dân phải tự mình trang bị kiến thức pháp luật. Riêng các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, đoàn thể cần tăng cường công tác hòa giải cơ sở để người dân nắm bắt mà tiếp cận khi có phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp”- luật sư Nguyễn Đức bày tỏ.
6 tháng đầu năm 2023, các hội viên Hội Luật gia tỉnh ở cơ sở tham gia hòa giải thành đạt 400/532 vụ việc. Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu đánh giá, khi người dân tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào ấp, khu phố, chính quyền trong quá trình hòa giải, giải quyết và các luật gia được mời tham gia vào các vụ việc hòa giải ở cơ sở thì hiệu quả rất lớn. Các bên không cần phải dắt nhau ra tòa án hoặc bị chế tài hành chính, hình sự bởi hành vi trái pháp luật đối với nhau vì vụ việc không được hòa giải kịp thời.
Còn theo công chức tư pháp - hộ tịch xã Trung Hòa (H.Trảng Bom) Nguyễn Văn Sơn bày tỏ, cán bộ hòa giải ngoài nhanh chóng, kịp thời vào cuộc hòa giải theo yêu cầu của người dân, họ còn luôn chủ động nắm bắt tình hình mâu thuẫn trong dân để mời các bên ra giải quyết nhằm gắn kết tình làng, nghĩa xóm, hạn chế phát sinh bất ổn về an ninh trật tự. Tuy vậy, mọi vấn đề đều do các bên quyết định, cán bộ hòa giải luôn tôn trọng quan điểm của họ, chứ không cưỡng ép theo ý chí của mình được.
“Vụ việc đưa ra hòa giải ở cơ sở dù không thành thì vẫn có ý nghĩa là giúp các bên hiểu biết pháp luật, hành xử nó theo pháp luật như: bình tĩnh chờ cơ quan có thẩm quyền cao hơn giải quyết hoặc tòa án. Như vậy vẫn tốt hơn là các bên tự hành xử bạo lực dẫn tới vi phạm pháp luật hình sự”- ông Sơn cho biết.