Đừng để con 'cuồng thần tượng'
(QTO) - Mỗi người trong đơìđều coướ́c mơ, sở thích, đam mê và nhữngmục tiêucho bản thân, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn, khi các em có cảm xúc mạnh và nguồn năng lượng dồi dào để say mê, yêu thích một ai hay một điều gì đó. Việc có một thần tượng cho riêng mình để phấn đấu và theo đuổi là điều đáng quý. Nhưng hâm mộ đến mức “thần thánh hóa” ai đó có thể khiến con trẻ đang ở tuổi mới lớn có hành xử nông nổi, nguy hiểm nhất là khi thần tượng của trẻ có những hành vi, lời nói lệch chuẩn hay tiêu cực thì các bậc phụ huynh cần có uốn nắn, định hướng kịp thời.
Mới đây ngày 29/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra văn bản đề nghị dừng lưu hành MV “There’s no one at all” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Cục cho biết: Nội dung bản ghi âm, ghi hình There’s no one at all mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật chính tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em. Sau đó, MV này của Sơn Tùng M-TP đã chính thức bị gỡ khỏi YouTube. Theo kết luận xử phạt của Cục Nghệ thuật biểu diễn, nam ca sĩ này còn phải nộp phạt 70 triệu đồng cùng số lợi nhuận thu được từ MV.
Đó chỉ là một trong số vô vàn quyết định xử phạt dành cho các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình... vì những hành vi lệch chuẩn như: Đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, ăn mặc phản cảm, viết rap lời lẽ dung tục... Điều đáng nói ở đây là thông thường sau khi một nghệ sĩ nào đó bị xử phạt, hoặc bị đám đông phê phán lên án thì có không ít các “fan” bênh vực, tranh cãi thậm chí đăng đàn ở mạng xã hội công khai phân tích rằng thần tượng của mình không sai. Các “fan cuồng” đó, đáng buồn lại đa phần là trẻ lứa tuổi mới lớn. “Thần tượng” nghĩa là quý trọng, hâm mộ một ai đó bởi tài năng và phẩm chất của họ trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như: Ca nhạc, phim ảnh, thể thao...
Xét về tâm lý thông thường thì khi càng hâm mộ ai đó, ta càng cảm thấy thất vọng và thậm chí tuyệt vọng nếu một ngày người ấy không như ta mong đợi nữa. Cho nên, sẽ là điều bình thường khi con trẻ tỏ ra buồn bã, tiếc nuối, bực bội khi ai đó trách cứ hay lên án thần tượng. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ hiện nay lại hâm mộ thần tượng tới mức cuồng dại, phải bằng mọi cách bắt chước giống người mình yêu thích. Đặt cảm xúc với thần tượng lên trên cả vấn đề học tập, sức khỏe bản thân và cha mẹ, gia đình. Nhiều trẻ say mê, yêu thích, thậm chí là tôn sùng một cách quá khích và mất kiểm soát. Trẻ khi quá cuồng thần tượng thì sẽ phụ thuộc hoàn toàn cảm xúc. Vui, buồn cùng thần tượng, mất ăn mất ngủ và sẵn sàng gây sự với bất cứ ai dám nói không tốt hay động vào thần tượng...
Tuổi mới lớn là lứa tuổi có sự thay đổi mạnh về cảm xúc, các em nhạy cảm nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc, vì thế dễ say mê và cũng dễ sốc khi thấy thần tượng không tốt như mình nghĩ. Để giúp con trẻ không hành xử nông nổi cũng như vơi bớt cảm xúc tiêu cực, ba mẹ cần là những người bạn đồng hành. Khi biết con mình thần tượng một ai đó, các bậc phụ huynh ban đầu hãy nhiệt tình tìm hiểu thông tin cùng con. Khi rảnh rỗi, ba mẹ có thể trò chuyện, định hướng cho con những điều nên làm và không nên làm xoay quanh thần tượng.
Cùng con xem xét lại mọi khía cạnh của người mà con thần tượng, yêu thích. Người lớn hãy giải thích cho các con biết rằng con người không ai hoàn hảo, ai cũng có những mặt tốt, xấu đan xen. Trẻ có thể yêu thích, hâm mộ giọng hát, cách diễn xuất hay gu thời trang của ai đó chứ không có nghĩa là tất cả những gì thuộc về họ. Như vậy sẽ giúp con trẻ có cách nhìn riêng và bình tĩnh hơn nếu gặp các tình huống “sụp đổ” thần tượng. Khi thấy con có những cảm xúc thái quá hay bất thường về thần tượng, ba mẹ hãy để tâm, tinh tế tâm sự cùng con để hạn chế những hành vi nông nổi. Động viên con nhìn vào khía cạnh nổi trội của người mình hâm mộ để lấy đó làm động lực, cảm hứng học tập tốt thay vì mù quáng phóng đại, “thần thánh hóa” họ.
Tuổi vị thành niên là lúc các em còn rất ít trải nghiệm cuộc sống. Các bậc phụ huynh nên cho con môi trường lành mạnh, năng động để trải nghiệm bằng cách cho con tạm xa máy tính, điện thoại để hòa mình vào thiên nhiên, khám phá cuộc sống nhiều hơn. Từ đó các em sẽ tự mình tích lũy được kinh nghiệm sống, có cách đánh giá khách quan về người khác, về thần tượng của mình. Mỗi người lớn trong gia đình hãy là một tấm gương, là người bạn của con để định hướng cho con một cuộc sống đúng đắn hơn. Dạy con biết chọn lọc cái hay lẽ phải, biết học hỏi và vươn lên cùng thần tượng nhưng đừng vì ai mà đánh mất cá tính, bản sắc của riêng mình.