Đừng để công nhân 'đói' văn hóa tinh thần
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 4 triệu công nhân đang làm việc tại hơn 300 khu công nghiệp, con số này dự báo sẽ còn tăng nhanh theo sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ thụ hưởng về văn hóa, thể thao của công nhân còn quá hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao của công nhân còn thiếu thốn.
Nỗi sợ “5 không”
“Hầu hết ngày nào tôi cũng lập trình theo thời khóa biểu: Sáng đi làm tới chiều muộn. Sau khi ăn tối xong, tôi mở điện thoại chơi facebook, lướt qua tin tức, rồi chơi game hoặc xem phim”. Lâu lắm, tôi chưa biết tới chương trình biểu diễn văn hóa - văn nghệ hay xem giải thể thao nào mà công ty tổ chức nên khá buồn và ít có điều kiện giao lưu với các đồng nghiệp.
Chủ yếu tôi thường kết bạn qua mạng xã hội” - Đó là lời tâm sự của Thịnh Anh (20 tuổi, quê Nghệ An). Thịnh Anh hiện đang làm tại một xưởng sản xuất trong khu công nghiệp tại Thanh Hóa. Lời tâm sự của Thịnh Anh cũng là lời tâm sự chung của rất nhiều công nhân.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sự quan tâm, đẩy mạnh hoạt động văn hóa thể thao tại công ty nhưng nhìn chung còn rất nhiều hạn chế cả về chất lượng và số lượng. Các DN chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi các tổ chức công đoàn chưa phát huy hết vai trò của mình.
Đời sống vật chất khó khăn, cường độ lao động cao khiến mức thụ hưởng văn hóa của công nhân hầu như không có gì đáng kể. Phần lớn công nhân không được tiếp nhận thường xuyên và đầy đủ thông tin về chính trị - xã hội, chính sách và pháp luật, cả những quy định quyền và hợp pháp liên quan đến mình. Hết giờ làm việc, công nhân chỉ biết giam mình trong phòng trọ, ít biết đến các hoạt động vui chơi, giải trí.
Hiện nay hầu hết doanh nghiệp chú trọng đến vấn đề lợi nhuận, có những đơn vị làm tăng ca 12 tiếng, không còn thời gian để công nhân chơi. Bên cạnh đó, ở các khu công nghiệp, chủ thể quản lý đầu mối đa dạng, thu nhập của công nhân còn thấp dẫn đến hoạt động thể thao không hiệu quả, trừ những người có đam mê, năng khiếu.
Chính vì thế, đã có nhiều tranh chấp và xung đột lao động tăng lên mặc dù khi xin giấy phép thì các nhà đầu tư, các DN trong các khu công nghiệp đều có cam kết đảm bảo đời sống tinh thần cho công nhân nhưng chỉ là hình thức, hầu như không tổ chức gì, ngoài vài cuộc gặp mặt trong năm.
Cũng theo TS Tuấn, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp chủ yếu di cư từ tỉnh, thành khác đến. Do đó, ngoài áp lực công việc, những công nhân này còn chịu sức ép về khác biệt về văn hóa, lối sống và đặc biệt là thiếu thốn tình cảm.
Đa số công nhân ở các khu công nghiệp là trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Có những ý kiến nhận xét rằng, nhiều người trong số họ đang trong tình trạng 5 không: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí và không thể dục thể thao.
Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có gần 90% số công nhân sống trong những khu nhà trọ dân lập, thiếu cả những trang, thiết bị sinh hoạt đơn giản nhất. Phần lớn công nhân tại các khu công nghiệp đang sống trong môi trường ba không: không tivi, không sách báo, không internet...
Bên cạnh đó, áp lực của công việc và làm thêm giờ, nhiều công nhân cả tháng trời không biết đến tivi, sách, báo. Điều đó có nghĩa, người lao động không chỉ lo “đói” trong khẩu phần ăn hằng ngày để có đủ sức làm việc, mà còn “đói” cả về văn hóa.
Bên cạnh đó, những khó khăn do đời sống vật chất, điều kiện ăn ở thiếu thốn, tù túng gây nên tâm lý bức bách dẫn đến nguy cơ stress rất cao. Đời sống tinh thần thiếu thốn khiến công nhân dễ sa ngã của lối sống không lành mạnh hay các tệ nạn như: Cờ bạc, bia ôm, cà-phê đèn mờ - mại dâm trá hình. Tình trạng phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, trộm cắp, mua bán dâm luôn diễn biến phức tạp.
Tỷ lệ nữ công nhân làm mẹ đơn thân hay phải nạo phá thai - hệ quả của việc “sống thử” trong các khu nhà trọ, ngày càng nhiều. Tất cả những hệ lụy ấy nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, lâu ngày sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.
Xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương
Thấu hiểu tình hình thực tế của công nhân lao động còn quá nhiều khó khăn trong đời sống và những vướng mắc, bất cập về tình trạng công nhân trong các khu công nghiệp chưa có chỗ sinh hoạt về văn hóa tinh thần, tại buổi làm việc giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quy chế về mối quan hệ công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm, đây sẽ là “một bước đột phá” về xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động khu công nghiệp. Đồng thời Thủ tướng còn đề nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ về đất đai, hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân; trước hết triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân lao động tại một số khu công nghiệp đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ, với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực của tổ chức công đoàn các cấp như: Hội thi công nhân giỏi, có bốc thăm trúng thưởng, Hội thao công nhân, Hội diễn công nhân, Câu lạc bộ sở thích công nhân, thi karaoke, tham quan du lịch, văn nghệ vào các dịp kỷ niệm, tặng quà cho con công nhân học giỏi, biểu dương công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo…
Trên cơ sở đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 52-CT/TW ngày 09/01/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai Chỉ thị bằng văn bản xuống cơ sở. Nhiều tổ chức công đoàn đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc cải thiện đời sống văn hóa tinh thần người lao động, từ đó đã triển khai xây dựng được 8 nhà văn hóa công nhân lao động, trong đó có nguồn vốn tài chính công đoàn các cấp.
Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, ngành, đặc biệt là ngày Công đoàn Việt Nam, Tháng công nhân, các cấp công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp công đoàn trực thuộc tổ chức trên 200 buổi hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của trên 25.000 lượt công nhân lao động.
Nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn cơ sở lồng ghép hoạt động giao lưu văn nghệ với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức 230 cuộc giao hữu, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, kéo co giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn cơ sở thu hút trên 30.000 lượt đoàn viên, công nhân lao động hăng say tập luyện, thi đấu. Ngoài ra, một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang… cũng triển khai nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.
Để các hoạt động văn hóa tinh thần cho công nhân đi vào chiều sâu hiệu quả, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất cần sớm đưa vào lộ trình phát triển các vấn đề quy hoạch, nhằm có một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh, cũng như tính pháp lý để yêu cầu DN cùng chung tay xây dựng một chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác, thu hút công nhân.
Ngoài ra, cũng cần tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân, khi lương và thu nhập đủ sống, công nhân mới nghĩ đến việc thụ hưởng văn hóa giải trí để tái tạo sức lao động, từ đó tăng cao hiệu quả lao động, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý để phục vụ cho lợi ích của DN và xã hội.