Đừng để đám cưới thành đám tang
Những khung rạp cưới dựng dưới lòng đường, mất an toàn giao thông xuất hiện nhan nhản trên diễn đàn MXH. Đừng để đám cưới thành đám tang...
Rạp cưới chiếm nửa mặt đường, nhóm khách ở Nam Định suýt bị xe đâm khi sang đường bất cẩn (Ảnh cắt từ clip)
Gần đây, hình ảnh về những khung rạp dựng dưới lòng đường giao thông phục vụ đám cưới lại xuất hiện nhan nhản trên diễn đàn mạng xã hội.
Mới đây nhất, ngày 19/12, một rạp cưới dựng ngay tại trên QL1 giao QL7, đoạn qua huyện Diễn Châu (Nghệ An) khiến nhiều người phải ái ngại khi chiếm diện tích 1/3 lòng đường.
Đáng nói, vị trí dựng khung rạp của đám cưới này lại ở ngay ngã tư có mật độ phương tiện qua lại đông đúc khiến người tham gia giao thông qua lại khu vực không chỉ gặp nhiều khó khăn mà còn lo lắng trước nguy cơ va chạm từ người tham gia tiệc hỷ.
Trước đó, ngày 5/12, một đám cưới ở Hải Hậu (Nam Định) không chỉ khiến cộng đồng mạng bức xúc khi chiếm 1/2 diện tích tuyến đường lưu thông mà còn khiến nhiều người phải giật mình trước cảnh một nhóm phụ nữ từ trong đám cưới này bất ngờ chạy sang đường. Va chạm may mắn đã không xảy ra khi tài xế ô tô kịp thời đạp phanh và đánh lái.
Hay ngày 4/12, ngay tại Thủ đô Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Khuyến (quận Hà Đông) bỗng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi xuất hiện một rạp cưới “khổng lồ”, chiếm trọn 3/4 lòng đường, chỉ dành ra phần đường nhỏ hẹp rộng 3-4m cho các phương tiện di chuyển.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Phạm Kỳ Dương, Văn phòng luật Giang Thanh cho biết, lâu nay, vấn đề chiếm dụng lòng lề đường để làm nơi tổ chức cưới, hỏi, sự kiện đã gây nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng đây là việc “cả đời người chỉ có một lần” nên mọi người thông cảm.
“Thực tế chứng minh, hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cả gia chủ và người tham gia giao thông, đám cưới cũng có thể trở thành đám tang tập thể”, luật sư Dương nói.
Theo luật sư Phạm Kỳ Dương, hiện tại, pháp luật có quy định cho các hộ gia đình được sử dụng tạm thời một phần hè phố để tổ chức ma chay hoặc cưới hỏi (tại Nghị định số 100/2013 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ). Tuy nhiên, các hộ gia đình chỉ được sử dụng một phần hè phố để tổ chức đám tang hay đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ.
Đồng thời, kèm theo điều kiện: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m; Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và hộ gia đình phải thông báo với UBND phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố.
“Như vậy, việc các hộ dân dựng rạp đám cưới dưới lòng đường, phần đất dành cho đường bộ là vi phạm pháp luật. Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 12 Nghị định 100/2019 của Chính phủ, hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức”, luật sư Dương thông tin.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/dung-de-dam-cuoi-thanh-dam-tang-d490668.html