'Đừng để đấu thầu rác năm 2021 đi vào… 'vết xe đổ'!
Nhiều người lo ngại Hà Nội thay đổi phương thức chọn nhà thầu thu gom rác vẫn không giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải tràn lan như thời gian qua.
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (viện Công nghệ sinh học, đại học Bách khoa Hà Nội) về việc tìm kiếm nhà thầu có năng lực trong việc thu gom rác thải sinh hoạt tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành trên cả nước nói chung.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc từ năm 2021 Hà Nội chuyển từ đấu thầu tập trung thu gom rác thải sang chính sách giao tự chủ về cho các quận huyện?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:
Việc này là đề xuất hay và đáng ra nên thực hiện từ lâu mới phải. Bởi, như chúng ta đã thấy 3 năm vừa qua từ khi Hà Nội thực hiện đấu thấu thu gom rác bằng hình thức tập trung, tình trạng rác thải sinh hoạt nhiều ngày không được thu dọn ở các tuyến phố diễn ra thường xuyên gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Việc chuyển đấu thầu các đơn vị thu gom rác cho các quận, huyện là việc rất hay vì như thế ở từng địa phương sẽ có sự sát sao, quản lý dễ dàng hơn.
PV: Nhận định của ông về việc nhà thầu chậm thu gom rác thải ở Hà Nội thời gian qua ra sao?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:
Về nguyên tắc khi các công ty tư nhân làm dịch vụ họ thấy có lãi thì mới làm. Khi thấy có vấn đề họ sẽ phủi trách nhiệm. Theo tôi theo dõi thì thấy các nhà thầu để xảy ra tình trạng này là vì số lượng rác vượt quá quy định so với hợp đồng. Khi họ thấy bất lợi thì hành động “đem con bỏ chợ” là điều dễ hiểu.
PV: Vậy theo ông, để Hà Nội không đi vào “vết xe đổ” như trước kia thì việc đấu thầu áp dụng từ 1/1/2021 tới đây sẽ phải lưu ý những điều gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh:
Xử lý rác thải là vấn đề công ích, trước hết để thu hút các nhà thầu có năng lực, Nhà nước nên quy định gói thầu bao nhiêu cho phù hợp, có lợi cho cả hai bên. Đồng thời mạnh dạn đưa ra những chính sách khuyến khích để những người tham gia làm công ích giúp thành phố xanh, sạch đẹp thấy được lợi, thấy được công sức mình bỏ ra không phí phạm.
Ngoài ra, để xử lý, vận chuyển nước thải thì nên mở rộng tất các các gói thầu cho các nhà thầu được tham gia để có sự công bằng. Chứ không nên để những gói thầu “ngon” cho người quen, còn những gói “xương xẩu” mới dành cho những nhà thầu lạ mặt. Như thế sẽ xảy ra tình trạng không công bằng, có thể dẫn đến tình trạng chọn nhầm nhà thầu, đơn vị có năng lực thì không được “tiếp đãi” tử tế.
Thêm một vấn đề bất cập cần tính đến khi đấu thầu ở các quận, huyện là rác ở ranh giới hai bên sẽ có khả năng bị đùn đẩy trách nhiệm không ai làm không ai thu gom. Lãnh đạo địa phương phải quản lý chặt chẽ địa giới, thống nhất bàn bạc hai bên để có phương án giải quyết vấn đề tốt nhất, tránh tình trạng đùn đẩy.
Xin cảm ơn ông!