Đừng để đổ bệnh vì... tắm
Tắm không đúng thời điểm, quên lau khô người, kiêng tắm không đúng lúc... có thể khiến gặp không ít rắc rối, thậm chí là nguy hiểm
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM), đột tử sau khi tắm có thể xảy ra khi kết hợp 2 yếu tố: một là bản thân người bệnh đã có vấn đề tim mạch, ví dụ bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành…; hai là thời điểm và cách tắm khiến người đó gặp lạnh đột ngột.
Nên tắm lúc nào?
Những hôm thời tiết trở lạnh, anh Nguyễn Văn B. (47 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã chuyển sang tắm vào sáng sớm trước khi đi làm vì nghe người ta đồn "tắm đêm dễ đột quỵ", trong khi chỉ khoảng hơn 18 giờ là anh B. đã đi làm về đến nhà. Kết quả là sau vài ngày tắm lúc sáng sớm, anh B. bị cảm lạnh, đã thế còn hay bị nhức đầu sau khi tắm.
Theo BS Anh Vũ, cơ thể bị lạnh có thể do các nguyên nhân như khi tắm đã dội đột ngột nước lạnh vào cơ thể hoặc mới tắm xong, người còn ướt, mặc chưa đủ ấm đã đi ra ngoài trời lạnh. Điều này dẫn đến hiện tượng co mạch, làm tăng huyết áp. Tùy vào bệnh mắc phải, vị trí các mạch máu bị co… có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Các trường hợp nhẹ hơn, người bệnh có thể thấy nhức đầu, chính là do tăng huyết áp.
Những người đi về muộn sau một bữa "nhậu" cũng cần chú ý điều này, khi người đang say thường cảm thấy nóng bức, nếu tắm lúc này sẽ rất dễ nhiễm lạnh. Tắm nước lạnh xong, đi ngủ mở quạt hay máy lạnh rất dễ dẫn đến co mạch, tăng huyết áp nhưng vì đã "say xỉn" nên ngủ mê mệt không nhận biết cơn tăng huyết áp, dẫn đến việc sẽ không được trợ giúp kịp thời khi xảy ra những nguy cơ này.
"Tắm vào buổi sáng quá sớm cũng chưa chắc hay, vì nhiều khi thời tiết vào giờ "trước khi đi làm", tức 5-6 giờ sáng, còn lạnh hơn lúc chiều tối. Quan trọng là nên tắm lúc nhiệt độ trong ngày dễ chịu nhất, ở miền Nam là khoảng 16-17 giờ. Nếu đi làm về trễ hơn, 19-20 giờ tắm cũng không sao, vì miền Nam không có thời điểm nào quá lạnh, đừng tắm quá trễ, gần giờ đi ngủ là được. Tắm buổi trưa cũng không phải là ý hay vì sau khi ăn trưa, cơ thể cần nghỉ ngơi và tiêu hóa thức ăn, việc tắm sau khi ăn có thể khiến các quá trình sinh học của cơ thể không được thuận lợi" - BS Vũ khuyến cáo.
Ai cần kiêng tắm?
Các quan điểm sai lầm về chuyện tắm ở người bệnh, sản phụ đôi khi cũng gây nên rắc rối. Theo BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP HCM), việc vệ sinh cơ thể đúng cách sẽ giúp sản phụ phòng tránh được nhiều nguy cơ. Cuộc sinh khiến sản phụ đổ nhiều mồ hôi. Sau đó khi cho con bú, mồ hôi ra càng nhiều.
Trong môi trường quanh năm nóng bức như ở TP HCM, không tắm gội nhiều ngày sẽ khiến sản phụ khó chịu, ảnh hưởng đến việc phục hồi sau sinh, ngoài ra em bé còn có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, mầm bệnh từ mẹ.
"Sau sinh, không nên kiêng tắm mà chỉ cần tránh tắm bằng nước lạnh, tắm nhanh đừng dầm nước lâu, không ngâm mình trong bồn, phòng tắm cần kín gió. Nếu sản phụ còn đau sau cuộc sinh, người nhà nên giúp đỡ" - BS Hải khuyên.
Trẻ em cũng là đối tượng hay bị bắt kiêng tắm khi đang bệnh, nhất là các căn bệnh để lại sang thương trên da như thủy đậu, tay chân miệng… Nhưng theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), việc kiêng tắm không có ích gì mà ngược lại khiến bé thêm ngứa ngáy vì mồ hôi đọng lâu ngày trên da. Trong bệnh thủy đậu, không vệ sinh cơ thể sạch sẽ còn làm tăng nguy cơ các vết bóng nước bị nhiễm trùng. Trẻ bị sốt vì các bệnh khác cũng không nên kiêng tắm.
Theo BS Khanh, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc tắm bằng nước ấm (cha mẹ dùng tay để thử, thấy nước không nóng cũng không lạnh là vừa), không tắm lâu và nhanh chóng làm khô người khi tắm xong.
Nên mang đủ "đồ nghề" vào phòng tắm
Một số người có phòng tắm bên trong phòng riêng có thói quen tắm xong rồi mới ra kiếm quần áo mặc vào, hay vừa bước ra ngoài làm việc khác vừa lau khô tóc... Các BS nhấn mạnh rằng điều này là không nên. Hãy tập thói quen mang theo khăn tắm và quần áo sạch vào phòng tắm. Tắm xong, lau thật khô mình, đầu tóc, mặc quần áo đủ ấm rồi mới bước ra ngoài. Điều này đặc biệt cần thiết với các đối tượng dễ nhiễm lạnh như người cao tuổi, người đang có bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ... trong những ngày trời lạnh.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/dung-de-do-benh-vi-tam-20210125215607586.htm