Đừng để doanh nghiệp cơ khí nội địa 'lép vế' vì chính sách thuế thiếu hợp lý

Thuế nhập khẩu linh kiện cao đã đẩy giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc với thuế suất thấp hơn, khiến cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa 'lép vế' trước sản phẩm ngoại. Kể cả việc sản xuất xe ô tô chuyên dùng của khối nội cũng đứng trước mối lo bất lợi cạnh tranh nếu dựa theo quy định mới thiếu hợp lý trong Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Phản ánh gần đây từ các doanh nghiệp (DN) cơ khi nội địa trong lĩnh vực sản xuất phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) là họ đang gặp khó, rơi vào thế bí vì phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu bởi sự chênh lệch quá lớn giữa nhập khẩu linh kiện và nhập khẩu nguyên chiếc.

Thiếu cân bằng thuế nhập khẩu

Cụ thể, thuế nhập khẩu một số máy móc, thiết bị nguyên chiếc được hưởng mức thuế 0%, nhưng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu lại chịu thuế cao, có những chi tiết phải đóng mức thuế đến 25%; thậm chí, có linh kiện có mức thuế đến 30%, chẳng hạn như mô tơ…Điều này đẩy giá thành của sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Để tăng sức cạnh tranh cho các DN cơ khí nội địa rất cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hơn nữa.

Nhiều DN nội địa trong lĩnh vực này than phiền cách tính thuế nhập khẩu linh kiện như thế gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến ý chí sản xuất cho DN chế tạo máy trong nước. Vì thế nên họ không mặn mà đầu tư máy móc công nghệ vì sẽ thua thiệt hơn so với khi nhập khẩu sản phẩm hoàn thiện về bán lại.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam, một số khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và cứu hộ trong nước là chưa có chính sách ưu đãi thuế tổng thể và có hệ thống cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, phương tiện, thiết bị phục vụ.

Do vậy, điều các DN sản xuất phương tiện PCCC và cứu hộ mong muốn là cần có sự cân bằng hơn trong việc nhập khẩu linh kiện và nhập sản phẩm nguyên chiếc để hỗ trợ đơn vị sản xuất trong nước, hạn chế bất cập so với nhập khẩu.

Không chỉ với lĩnh vực nêu trên, chính sách thuế nhập khẩu thiếu hợp lý là mối băn khoăn chung của các DN cơ khí nội địa. Nhất là khi cả nước có khoảng 3.100 DN ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất nhưng các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Một trong những nguyên nhân làm cho sản phẩm cơ khí nội địa có thị phần thấp là do thuế nhập khẩu cao nên khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Chẳng hạn, DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc lại được hưởng mức thuế 0%, trong khi DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%.

Ngoài những vấn đề như vậy, việc sản xuất xe ô tô chuyên dùng của các DN cơ khí nội địa cũng đang đứng trước mối lo bất lợi về mặt cạnh tranh với khối ngoại nếu dựa theo quy định mới trong Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Góp ý vào hạ tuần tháng 7/2024 về dự án luật này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng trường hợp các DN sản xuất ô tô chuyên dùng hiện đang không được khấu trừ thuế và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào. Thực tiễn sản xuất ô tô chuyên dùng, các DN thường sẽ dựa trên một số dòng xe thương mại phổ thông. Quá trình sản xuất này có đầu vào là xe thương mại phổ thông, thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đầu ra là xe chuyên dùng, không thuộc diện chịu thuế.

Không thể cạnh tranh vì giá thành cao

Chẳng hạn, xe cứu thương được sản xuất trên nền xe chở người 9 hoặc 12 chỗ, xe chở tiền được sản xuất trên nền xe chở người 7 chỗ, các loại xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe chạy trong khu vui chơi, xe chở học sinh, xe chuyên dụng khác đều được sản xuất từ những dòng xe thương mại phổ thông.

Như vậy, căn cứ vào Điều 9.2 của Dự thảo thì các doanh nghiệp này chỉ đáp ứng điều kiện 2 (tức là nguyên liệu đầu vào thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) mà không đáp ứng điều kiện 1 (hàng hóa đầu ra thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt). Do đó, các DN sản xuất xe ô tô chuyên dụng này không được khấu trừ thuế hay hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Chính sách như vậy tác động rất tiêu cực đến sản xuất và sử dụng ô tô chuyên dùng tại Việt Nam. Giá bán các loại phương tiện này trên thị trường bị đẩy lên cao do khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào không được khấu trừ và hoàn. Đơn cử trường hợp xe cứu thương, khoản thuế không được khấu trừ và hoàn này khiến chi phí sản xuất xe cứu thương trong nước tăng khoảng 35% – 40%”, phía VCCI lưu ý.

Và do chi phí thuế sản xuất trong nước cao như vậy, trong khi hàng hóa tương tự sản xuất tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế, nên các DN cơ khí nội địa không thể cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Thậm chí, có trường hợp đưa ô tô thương mại trong nước ra nước ngoài để cải tạo thành xe chuyên dùng rồi nhập khẩu lại về Việt Nam nhằm tránh thuế.

Trong khi đó, theo VCCI, sản xuất xe chuyên dùng là thị trường ngách mà nhiều DN cơ khí của Việt Nam có thế mạnh dựa trên sự chăm chỉ và khả năng sáng tạo của công nhân và kỹ sư người Việt. Đây cũng là những DN trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vừa và nhỏ rất cần môi trường chính sách công bằng để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ nước ngoài.

Thực tế cho thấy phần lớn các DN cơ khí trong nước đều là những DN có quy mô nhỏ và vừa nên chưa đủ năng lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu về giá. Thị phần cho họ trên “sân nhà” còn khiêm tốn với một trong những nguyên nhân là do giá thành sản xuất cao nên luôn thiếu sức cạnh tranh.

Vì thế, để giảm giá thành sản xuất cho khối nội rất cần các nhà quản lý lưu tâm xem xét là chính sách thuế (như vấn đề thiếu cân bằng trong thuế nhập khẩu) đã tác động như thế nào để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp hơn.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dung-de-doanh-nghiep-co-khi-noi-dia-lep-ve-vi-chinh-sach-thue-thieu-hop-ly-1101298.html