Đừng để doanh nghiệp 'lắc đầu' vì thiếu kỹ năng mềm

Để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt, người học không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà cần trang bị thêm những kỹ năng thiết yếu (kỹ năng mềm). Đó là chia sẻ của các doanh nhân tại chương trình giao lưu với các tân học sinh, sinh viên (HSSV) Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung.

Sinh viên ngành Cắt gọt kim loại của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung thực tập tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang. Ảnh: CTV

Sinh viên ngành Cắt gọt kim loại của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung thực tập tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang. Ảnh: CTV

Đừng để thiếu kỹ năng mềm

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất của HSSV tốt nghiệp các trường nghề hiện nay, đó là thiếu kỹ năng mềm. Ông Phạm Hồng Hải Quân, Giám đốc điều hành Học viện Giáo dục và du học quốc tế Asia Education Phú Yên cho hay: Bằng cấp không phải là yếu tố quyết định đến việc doanh nghiệp có tuyển dụng người lao động hay không. Bởi các doanh nghiệp còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp của mỗi ứng viên, điều mà nhiều SV tốt nghiệp chưa đáp ứng được.

Thực tế học tập tại các cơ sở đào tạo cho thấy, những HSSV năng động, thường tự tìm kiếm các cơ hội để học tập trau dồi các kỹ năng mềm cho bản thân, còn phần nhiều các em chưa nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong cuộc sống, nên chỉ nghĩ rằng học thật giỏi là đủ.

“Quan điểm này không sai nhưng chưa đủ, bởi nếu chỉ học giỏi chuyên môn, chưa chắc các em có thể thích ứng nhanh với công việc hay sự thay đổi về môi trường làm việc. Nhiều ứng viên có thành tích học tập thật đáng nể nhưng chưa chắc được tuyển dụng, nếu các em thiếu các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, tác phong công nghiệp...”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty CP Viễn thông FPT chi nhánh Phú Yên chia sẻ.

Hiện nay, gần như chưa có một bộ giáo trình chính thống về phát triển kỹ năng mềm cho HSSV trong các cơ sở đào tạo. Cách phổ biến nhất được các trường áp dụng vẫn là lồng ghép giáo dục kỹ năng mềm cho HSSV vào các môn học của chương trình (tùy từng trường mà có những cách lồng ghép khác nhau). Ngoài ra, phát triển kỹ năng mềm cũng đã được lồng ghép vào các hình thức hoạt động ngoại khóa khác nhưng nhìn chung chưa thu hút được người học tham gia.

Phát triển kỹ năng mềm thông qua thực tập tại doanh nghiệp

Thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”, hiện các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp yêu cầu người học đặc biệt quan tâm đến việc trang bị kỹ năng mềm; xem đây như một quá trình tích lũy dựa trên những khả năng của bản thân, mục tiêu trong tương lai để xây dựng lộ trình rèn luyện các kỹ năng qua mỗi năm học.

Nói về việc triển khai chương trình kỹ năng mềm trong công tác đào tạo của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, ThS Võ Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp của trường này cho biết: Mục tiêu của việc phát triển kỹ năng mềm cho HSSV là đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Do đó, yếu tố quan trọng luôn được trường lưu ý, đó là giúp người học hiểu rõ những yêu cầu của nghề thông qua quá trình học tập, cũng như thực tập tại các doanh nghiệp.

“Quá trình thực tập tại doanh nghiệp không chỉ tạo cơ hội để người học tiếp xúc trực tiếp với nhà tuyển dụng, tìm hiểu rõ về nghề, các thông tin về nhu cầu tuyển dụng mà còn tạo điều kiện cho các nhà tuyển dụng truyền đạt kỹ năng làm việc thực tế nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cần có cho người học. Để thực hiện biện pháp này, nhà trường luôn chủ động liên hệ, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để HSSV thực hành, thực tập. Qua đó, HSSV sẽ chủ động tìm hiểu, quan sát, học hỏi và vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học được vào thực tế sản xuất”, ThS Võ Văn Lợi nói.

Thực tế tuyển dụng cho thấy, các doanh nghiệp rất coi trọng các kỹ năng mềm, bởi vì đây là một tiêu chí giúp họ đánh giá chính xác năng lực thực sự của người lao động. “Kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao. Vì thế, các bạn HSSV nên rèn luyện các kỹ năng học tập, giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề… ngay từ bây giờ nếu muốn có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi ra trường”, ông Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú chi nhánh Phú Yên nhấn mạnh.

Kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao. Vì thế, các bạn HSSV nên rèn luyện các kỹ năng học tập, giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề… ngay từ bây giờ nếu muốn có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn sau khi ra trường.

Ông Bùi Nguyễn Vi Đông, Giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú chi nhánh Phú Yên

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/246050/dung-de-doanh-nghiep--lac-dau--vi-thieu-ky-nang-mem.html