Đừng để doanh nghiệp mãi kêu cứu vướng mắc hoàn thuế
Từ câu chuyện 42 doanh nghiệp ngành sắn 'kêu cứu' lên Thủ tướng Chính phủ do quy định của Tổng cục Thuế như đánh đố đang cho thấy những vướng mắc ở khâu hoàn thuế giá trị gia tăng rất cần tiếp tục được tháo gỡ thay vì làm khó cho doanh nghiệp vốn đang chật vật về dòng vốn để sản xuất kinh doanh.
Hồi tháng 1/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sắn từ kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam.
Quy định như... đánh đố
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét kỹ kiến nghị, vướng mắc, tổ chức đối thoại, trao đổi, làm việc với Hiệp hội Sắn để thông tin, giải thích đầy đủ, thỏa đáng các kiến nghị theo đúng quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận cho DN.
Tuy nhiên, hơn 2 tháng trôi qua, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết. Điều này khiến cho 42 DN ngành sắn (đại diện cho hơn 80% sản lượng của toàn ngành) mới đây đã đồng loạt ký đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt là sau khi Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương phải xác minh các khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế VAT của các DN xuất khẩu sắn.
Theo phản ánh của các DN ngành sắn, nếu áp dụng quy định về việc xác minh tư cách pháp lý của người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của họ. Nhất là 65% sản lượng của toàn ngành sắn xuất khẩu chủ yếu theo hình thức giao hàng tại biên giới (DAF) với thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 93% tổng sản lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu).
Có thể thông cảm với Tổng cục Thuế khi đưa ra quy định như vậy nhằm tránh các gian lận hoàn thuế. Tuy nhiên, lẽ ra cơ quan này nên sớm có những cuộc đối thoại rõ ràng với các DN ngành sắn để có quy định khả dĩ, phù hợp hơn nhằm tránh gây hệ lụy tiêu cực đến những DN ngành sắn xuất khẩu thật, đóng thuế thật và mong sớm được hoàn thuế.
Một khi việc hoàn thuế VAT càng kéo dài, thêm quy định có tính chất làm khó DN từ việc dừng hoàn thuế VAT của Tổng cục Thuế theo công văn vào tháng 7/2021 và công văn ngày 7/3/2022 sẽ dẫn đến tình trạng nhiều DN ngành sắn có nguy cơ phá sản hoặc buộc phải đi vay tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh chật vật về dòng vốn như hiện nay. Không chỉ vậy, những dự báo còn cho thấy xuất khẩu sắn vào Trung Quốc trong năm 2022 này sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với năm vừa rồi.
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện Hiệp hội Sắn đề nghị Bộ nên kiến nghị với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn thể hoàn thuế VAT phù hợp với thực tế hoạt động xuất khẩu biên mậu giữa Việt Nam với Trung Quốc, phù hợp với tinh thần Nghị định 14/2018/NĐ-CP và quy định tại khoản 2, Điều 24 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP.
Gỡ khó thay vì làm khó
Điều này nhằm thích ứng với hoạt động xuất nhập khẩu biên giới đối với các nước có chung biên giới cho mặt hàng tinh bột sắn nói riêng và cho các hàng hóa khác (nông lâm thủy sản, hoa quả...) nói chung.
Ông Diên bày tỏ đồng tình với các kiến nghị nêu trên và cho biết sẽ phối hợp, hỗ trợ với Hiệp hội và các DN ngành sắn để kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết những kiến nghị của Hiệp hội.
Thực ra, những vướng mắc quanh các quy định về nộp thuế rồi hoàn thuế VAT không chỉ là vấn đề riêng ở DN ngành sắn mà còn được thấy rõ ở những lĩnh vực khác trong thời gian qua.
Điển hình như năm 2021, khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP liên quan đến nộp thuế nhập khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ, các DN trong ngành dệt may có phản ánh vấn đề nộp thuế rồi sau đó được hoàn thuế lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu đã gây khó khăn rất lớn cho DN. Lý do là DN phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế VAT sau đó.
Điều này chỉ dẫn đến tăng thủ tục hành chính cho cả DN lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế, không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu.
Giới chuyên gia lưu ý vấn đề hoàn thuế VAT vẫn còn một số vướng mắc rất cần được tháo gỡ. DN sẽ luôn phát sinh thuế VAT phải nộp sau khi khấu trừ thuế VAT đầu vào.
Trên thực tế vẫn còn tồn tại một số trường hợp phát sinh số thuế VAT đầu vào lớn hơn đầu ra khiến DN bị tồn đọng số thuế VAT đầu vào lớn trong thời gian dài, gây khó khăn về vốn cho DN trong khi DN vẫn phải đi vay, đặc biệt trong giai đoạn phải “sống chung” với dịch Covid-19.
Cho nên, ngoài việc bịt các kẽ hở gian lận hoàn thuế, cơ quan thuế cần hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho DN nhằm tháo gỡ khó khăn khi bị tồn đọng số thuế VAT chưa được khấu trừ trong giai đoạn dài, ảnh hưởng tới dòng tiền của DN phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bởi lẽ, trong giai đoạn hiện nay khi các DN đang nỗ lực khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, nếu tiền hoàn thuế đến kịp thời sẽ giúp được rất nhiều DN, nhất là giải quyết được nhiều vấn đề cần đến vốn.