Đừng để đóm lửa nhỏ thành đám cháy lớn
Sau nhiều năm chắt chiu, mày mò làm thương hiệu để đưa sản phẩm ra biển lớn, bỗng dưng 3 mã xoài mang thương hiệu Đồng Tháp bị 'đóng cửa' vào Trung Quốc vì nạn mạo danh. Đáng lo hơn là đến nay vẫn chưa thể 'kê đơn, bốc thuốc' đặc trị cho căn bệnh mãn tính này.
Xoài Đồng Tháp bị mạo danh:
Đốn củi 3 năm, đốt 1 giờ
“Bất ngờ và choáng váng”- đã nhiều ngày trôi qua, nhưng bà Đinh Kim Nhung - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp (Kim Nhung), doanh nghiệp chuyên kinh doanh xoài ở Đồng Tháp vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin mã đóng gói xoài của doanh nghiệp mình đã bị cơ quan chức năng Trung Quốc “đóng cửa”. Bàng hoàng là vì vào thời điểm này, Kim Nhung chưa hề thực hiện xuất khẩu lô hàng xoài nào vào Trung Quốc. Hơn thế nữa, điều này còn đồng nghĩa đẩy Kim Nhung vào tình cảnh “đốn củi 3 năm, đốt 1 giờ”. Ý thức được nhược điểm của xoài Việt Nam khi tham gia xuất khẩu, từ năm 2017, Kim Nhung đầu tư xây dựng mã số nhà đóng gói để đưa xoài ra biển lớn. Sau thời gian mày mò, chắt chiu, Kim Nhung trở thành doanh nghiệp đầu tiên ở Đồng Tháp được cấp mã số nhà đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Chưa kịp hết vui, cuối tháng 7/2020, Kim Nhung đột ngột nhận được tin mã đóng gói bị phía Trung Quốc “đóng” vì vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật... Qua tìm hiểu, bước đầu xác định có 220 lô xoài này mang mã số đóng gói của thương hiệu Kim Nhung xuất vào Trung Quốc. Thông tin này đã gây không ít bức xúc cho hàng ngàn hộ trồng xoài ở Đồng Tháp vì công sức bao ngày gầy dựng bị mất trong “1 nốt nhạc”, hoặc đứng bên bờ vực nguy cơ. Bởi để xây dựng mã nhà đóng gói, ngoài điều kiện cơ sở vật chất như thiết bị chống côn trùng, phòng đóng gói... mà còn phải xây dựng vùng trồng chất lượng, an toàn, có nguồn gốc... Điều này không đơn thuần là truyền đạt hay cầm tay chỉ việc với kỹ thuật mới, mà còn là hành trình thuyết phục từ bỏ tập quán trồng trọt mang tính truyền đời.
Đừng để đóm lửa thành đám cháy lớn
Trong vụ mạo danh này, ngoài Kim Nhung, còn có 2 mã số vùng trồng của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) cũng là nạn nhân. Điều này không chỉ “đổ sông, đổ biển” công sức tổ chức thực hiện theo chuẩn an toàn mà còn đe dọa uy tín thương hiệu xoài mà Đồng Tháp đã dày công xây dựng liên tiếp trong nhiều năm qua. Hiện toàn tỉnh xây dựng được 78 vùng trồng với khoảng 4.000ha xoài. Tuy trước mắt, chỉ có 2 mã vùng trồng và 1 mã nhà đóng gói tạm thời bị đóng để chờ điều tra làm rõ, nhưng nếu không có giải pháp xử lý rốt ráo, căn cơ... những đóm lửa hôm nay sẽ âm ỉ thành đám cháy lớn trong tương lai với hệ lụy rất khó lường. Trước hết là cách làm “lạ” từ phía đối tác. Ngoài việc không thông tin rõ danh tính doanh nghiệp đã “mượn danh” mã vùng trồng, mã nhà máy đóng gói... để Việt Nam chủ động làm rõ sự thật,.. phía Trung Quốc còn áp dụng cách làm “thả cửa”, dễ tạo cớ để doanh nghiệp “náo loạn” với việc “mạo danh”. “Khác với cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới, Trung Quốc có quy định về mã vùng trồng, nhưng sau khi đăng ký vẫn để công khai trên mạng”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chia sẻ thêm - “Hơn thế nữa, trong lúc một số nước thực hiện việc kiểm tra tại doanh nghiệp trước khi thông quan nông sản để bảo đảm tính chính xác... thì thủ tục này chưa được áp dụng khi hàng xuất sang Trung Quốc”. Chính cách làm ăn “lạ” này đã tạo cơ hội để căn bệnh cố hữu làm ăn kiểu “mì ăn liền” của một số doanh nghiệp trổi dậy...
Vì vậy, theo ông Thiện, bên cạnh việc địa phương chủ động lành mạnh hóa chính mình bằng cách xây dựng quy định, chế tài về việc sử dụng mã vùng trồng, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nông sản..., rất cần có sự tham gia ở tầm vĩ mô trong việc phối hợp điều chỉnh cả trong lẫn ngoài nước... “Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời với tầm nhìn lâu dài, sẽ dễ tái diễn căn bệnh mãn tính này lên không chỉ với ngành hàng xoài, mà còn có khả năng là nhiều loại nông sản khác, ở các địa phương khác” - ông Thiện cảnh báo.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/dung-de-dom-lua-nho-thanh-dam-chay-lon-92910.aspx