Đừng để du khách bỏ chạy

Việc mới đây KiKi - Youtuber người Nhật Bản thông thạo tiếng Việt, đăng lên mạng xã hội nhiều video về trải nghiệm đi chợ Bến Thành mua sắm đồ. Trong đó, anh cho biết hết sức ngỡ ngàng khi phải đối mặt với nạn hét giá khủng khiếp: lên gấp 10 lần so với giá đồng ý bán cuối cùng.

3 đôi tất (vớ) được tiểu thương hét giá 700.000 đồng. Ảnh: Youtube KiKi.

3 đôi tất (vớ) được tiểu thương hét giá 700.000 đồng. Ảnh: Youtube KiKi.

Dẫn chứng, khi ghé vào một sạp thời trang, KiKi hỏi mua 3 đôi vớ màu đen. Người phụ nữ bán hàng nói một đôi 250.000 đồng, nhân 3 là 750.000 đồng, giảm bớt cho khách 50.000 đồng, còn 700.000 đồng. KiKi thảng thốt hỏi đi hỏi lại người bán, có phải thật sự 700.000 đồng cho 3 đôi vớ không rõ nhãn hiệu? Khi anh định “chuồn” thì người bán kéo tay anh lại, nói rằng muốn giá bao nhiêu thì cứ trả. “60.000 đồng thôi” - KiKi trả lời. Nghe vậy, người bán giảm xuống còn 150.000 đồng cho 3 đôi. Tuy nhiên, khi Kiki quả quyết quay đi thì người bán đồng ý với giá 60.000 đồng.

“Chuồn thôi”, “Trốn thôi” - Youtuber viết và còn cho biết thêm trước đó anh mua chiếc ba lô 1,4 triệu sau khi bị hét giá 2,8 triệu đồng... KiKi cho rằng, phải biết trả giá khi đi chợ Bến Thành và đặt câu hỏi: “Có phải chợ Bến Thành là chợ dành cho khách du lịch nên mới xảy ra những chuyện như thế này, còn những chợ khác không như vậy?”.

Thế mới biết vì sao trên nhiều diễn đàn du lịch dành cho du khách nước ngoài, đề tài làm thế nào để mua hàng đúng giá và trả giá đúng cách được nhiều du khách hưởng ứng và cho rằng cứ mặc cả giảm xuống một nửa giá người bán đưa ra là “ok”; cùng đó là lời “tư vấn”: Bạn hãy bỏ đi nếu người bán không khớp được giá của bạn. Đừng lo lắng, nếu thấy giá hợp lý, người bán sẽ gọi bạn quay lại ngay khi bạn vừa xoay đi”.

Nhiều hướng dẫn viên cho biết họ cũng từng dở khóc dở cười khi bị du khách trách móc thông đồng với người bán hàng “móc túi” họ. Thật là oan uổng! Việc “hét giá” cao với du khách nước ngoài khiến cho họ bực tức và việc mua bán càng ngày càng không bền vững khi không còn đem lại cho du khách trải nghiệm mà thay vào đó là sự sợ hãi.

Theo giới chuyên gia du lịch, hét giá là tâm lý của người bán vì cho rằng du khách chỉ đến một lần. Họ không quan tâm việc hét giá sẽ khiến điểm đến mang tiếng xấu. Vì thế, cần phải niêm yết giá công khai, nếu nơi nào hét giá mà có du khách phản ánh thì phải cử người xuống lập biên bản, đưa vào danh sách đen, vi phạm nhiều lần có thể xử phạt hoặc đóng cửa sạp... Bên trong chợ cần có đường dây nóng để du khách phản ánh.

Từng “thấm đòn” thất nghiệp kéo dài vì vắng bóng du khách quốc tế do dịch bệnh Covid-19, hơn ai hết người bán hàng cần phải hiểu rằng phải tìm cách kéo du khách đến chứ không phải là khiến du khách bức bội để rồi “một đi không trở lại”.

Còn nhớ, trước năm 2015, Vũng Tàu bị du khách “bỏ qua” cũng chỉ vì nạn “chặt chém”. Từ năm 2015 trở đi, trước và trong những ngày lễ, UBND TP Vũng Tàu đã lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh du lịch. Nếu bị phát hiện sai phạm hay “bẫy” du khách để lấy giá cao hơn so với quy định hoặc đăng ký, thành phố sẽ đưa cơ sở vào “danh sách đen”. Trường hợp có dấu hiệu lừa đào, chính quyền địa phương sẽ chuyển sang cơ quan công an để điều tra, truy tố. Nhờ vậy mà Vũng Tàu không còn mang tiếng xấu, trở thành điểm đến thân thiện với du khách.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dung-de-du-khach-bo-chay-5727014.html