Đừng để đường vào đời của các em bị tổn thương

Câu chuyện một cô bé học sinh tố cáo bị 'đánh cắp đề tài khoa học' đang râm ran trên báo chí và MXH.

Câu chuyện một cô bé học sinh tố cáo bị “đánh cắp đề tài khoa học” đang râm ran trên báo chí và MXH. Liên quan vụ này còn có một nam sinh đã được trao giải thưởng và giáo viên từng hướng dẫn cả 2 em.

Chuyện đúng sai chưa rõ nhưng vấn đề đáng lo ngại là cộng đồng mạng đang “tế” các nhân vật và cả gia đình của họ, người theo em A, người nghiêng về em B, người tỏ thái độ với cách hành xử của thầy giáo. Cả người lớn của 2 gia đình cũng vào cuộc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: MXH

Ảnh minh họa. Nguồn: MXH

Các tin nhắn đã được tung ra. Thế nào cũng có những tổn thương về tâm lý, tinh thần, danh dự. Một công trình/tác phẩm nghiên cứu khoa học chứa biết bao tâm huyết, công sức của người thực hiện.

Sức lao động chân chính cần được công nhận một cách chính danh, đúng người. Với học sinh, sinh viên, những người chập chững mang kiến thức tích lũy được cùng nguồn năng lượng dồi dào, đam mê cháy bỏng lẫn tinh khôi về việc tạo nên giá trị có ích cho cuộc sống; sự công nhận trên tạo nên niềm tin và động lực để các em đi tiếp hành trình khẳng định bản thân. Nếu niềm tin ấy sụp đổ, có khi sẽ là cú sốc khó vượt qua.

Tôi muốn kể về trường hợp của con trai tôi học tại Mỹ. Cuối năm 3 Đại học vừa rồi, con trai cùng bạn thực hiện một nghiên cứu cấp... lớp. Chỉ cấp lớp thôi. Đề tài ấy nhắm tới mục tiêu tạo một sản phẩm dinh dưỡng mới.

Cô giáo bảo đề tài hay, có thể nâng tầm cao hơn và cô đã gợi ý cho các con việc bổ sung, chỉnh sửa. Một ngày, cô giáo hỏi: “Em có muốn đăng ký tác quyền không?”.

Một chút ngạc nhiên xen lẫn hứng khởi trong lòng chàng trai 21 tuổi. Cô bảo lần đầu tiên cô làm như vậy vì muốn bảo vệ những ý tưởng phôi thai của sinh viên. Rồi, cô báo cáo cho trường về việc bảo vệ tác quyền đối với đề tài trên.

Thông tin từ nhà trường rất rõ ràng rằng sẽ có luật sư gặp để phổ biến và hướng dẫn thủ tục. Do sinh viên sử dụng tài nguyên của nhà trường để nghiên cứu, trường hợp sau đề tài tạo được sản phẩm có lợi nhuận thì quyền lợi của trường là abc, quyền lợi của 2 bạn thanh niên mới lớn kia là xyz.

Trường hợp đề tài không tạo ra sản phẩm thì xem như “em tin mình đã cho nhau một kỷ niệm”, một trải nghiệm đẹp của các bạn nhỏ. Vụ công nhận tác quyền với đề tài của con tôi ... chưa tới đâu cả vì vướng nghỉ hè, nhưng khi nói chuyện tôi hiểu con trai cảm nhận được sự quan tâm, con vui vì được cư xử sòng phẳng ngay từ đầu.

Ít nhất, các con được xác định mình là người đồng sáng kiến, đồng thực hiện đề tài mà không phải lẹo chẹo lo tranh cãi ai là tác giả. Bởi, các con được làm việc với những người lớn thực thụ, minh bạch và trung thực.

Và đối với giáo dục, đó là niềm tin mãnh liệt để khởi điểm vào đời của các con không bị tổn thương vì những gian dối.

NGỌC LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dung-de-duong-vao-doi-cua-cac-em-bi-ton-thuong-post741574.html