Đừng để gian dối trong xét duyệt GS, PGS 'lây lan' như vi-rút
Chuyên gia cho rằng các chế tài hiện nay còn lỏng lẻo, thiếu sức răn đe nên khó giải quyết triệt để việc thiếu minh bạch trong công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh.
Vừa qua (18/10), Hội đồng Giáo sư (HĐGS) Nhà nước đã công bố danh sách các ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2023. Ngay sau khi tên và hồ sơ của các ứng viên được công bố câu chuyện gian dối trong công bố quốc tế, vi phạm liêm chính khoa học, kê khai thiếu trung thực các bài nghiên cứu lại một lần nữa dậy sóng.
Mặc dù xét duyệt chức danh cần tính nghiêm túc cao nhưng những lùm xùm trong hoạt động này lại diễn ra thường xuyên và tăng mạnh về số lượng.
Làm nghiêm túc không thể có gian lận
Trao đổi với
Người Đưa Tin
, GS.TSKH Ngô Việt Trung - Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng nếu không có chế tài răn đe việc gian dối trong xét duyệt chức danh GS,PGS sẽ lan ra giống như con vi-rút từ những ứng viên đến cả các thành viên trong HĐGS.
“Việc sử dụng những công bố quốc tế kém chất lượng, kê khai không trung thực là tương đối nghiêm trọng và hoàn toàn không giảm đi qua các năm mặc dù đã có trường hợp các ứng viên vi phạm bị loại.
Tuy nhiên, ở nước ta không có chế tài cho việc “liêm chính khoa học” mặc dù việc đăng ở trong những tạp chí giả mạo, không nằm trong danh mục nhưng vẫn khai vào hồ sơ rõ ràng nói lên sự thiếu trung thực của các ứng viên”, ông Ngô Việt Trung đánh giá.
Theo chuyên gia, HĐGS các cấp phải đủ năng lực để thẩm định các hồ sơ, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì hội đồng đã bỏ lọt những hồ sơ kém chất lượng để dẫn đến hàng loạt ứng viên không đủ tiêu chuẩn có tên trong danh sách đề nghị xét công nhận.
Ông Ngô Việt Trung bày tỏ: “Ở các nước trên thế giới, nếu vi phạm nghiên cứu khoa học, sự nghiệp có thể tiêu tan. Ngay cả việc đạo văn, thậm chí đạo văn của chính bản thân mình cũng có thể bị cách chức, khó có thể tiếp tục công việc của mình.
Vậy tại sao nước mình có những trường hợp bị tố cao đạo văn, đăng bài báo giả mạo số liệu,…nhưng lại không thể xử lý. Trong khi việc phong chức danh là vấn đề cần sự nghiêm túc cao, có tác động lâu dài không chỉ với những cá nhân đấy mà còn cả hệ thống”.
Chuyên gia cũng cho rằng hệ thống khoa học của chúng ta cần phải có quy định rõ ràng về hoạt động nghiên cứu, “nếu không cũng chỉ phát hiện ra xong để đấy. Về mặt xã hội họ không quan tâm nhiều lắm, nhưng những người quản lý phải thấy điều đó rất nghiêm trọng”, GS.TSKH Ngô Việt Trung nhận định.
Từ kinh nghiệm thực tế tại các hội đồng thẩm định, ông Trung nhận thấy chỉ cần làm nghiêm túc, chặt chẽ sẽ không bao giờ xuất hiện những trường hợp gian lận. “Bản thân tôi khi làm hội đồng, chúng tôi đã không chấp nhận những bài đăng ở các tạp chí phải trả tiền, các bài đăng này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi bỏ phiếu, mang vết đen về mặt uy tín cho các ứng viên”, ông Trung cho biết.
Quy định xét công nhận chức danh còn bất cập
Để giải quyết tình trạng này, GS.TS Nguyễn Ngọc Châu - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đề nghị cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát.
Theo ông Châu để có bài báo cần thời gian để nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, mặc dù rất không có một con số cụ thể bao lâu nhưng nhanh nhất cũng cần 3 - 12 tháng từ lúc xây dựng ý tưởng nghiên cứu, thu thập số liệu, xử lý số liệu, viết bài, nộp bài, sửa bài đến lúc công bố.
“Nếu một ứng viên GS, PGS 10 năm không có công bố quốc tế trong khi chỉ nửa năm lại có tới năm bài thì chắc chắn là bất bình thường. Một nhà khoa học giỏi cũng không thể sản xuất và công bố bài báo SCI-E với năng suất như vậy. Trừ trường hợp nhà khoa học cùng lúc có nhiều đề tài hợp tác quốc tế, do nhiều người viết mà ứng viên là đồng tác giả”, ông Nguyễn Ngọc Châu bày tỏ.
Theo chuyên gia quy định "đếm bài SCI-E/SCOPUS để tính điểm" (PV: SCOPUS hay ISI là cơ sở dữ liệu trích dẫn và tóm tắt các ấn phẩm khoa học được tuyển chọn. SCOPUS là cơ sở dữ liệu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan); ISI là cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information) tại Hoa Kỳ) chỉ là một tiêu chí.
Để trở thành GS, PGS còn cần hàng chục tiêu chí khác mà ứng viên phải đáp ứng (như H-index là mức độ ảnh hưởng tích lũy của một nhà khoa học).
Bên cạnh đó, HĐGS các cấp và người được phân công thẩm định hồ sơ của ứng viên, dư luận cộng đồng khoa học, báo chí cũng có vai trò không nhỏ.
“Sản phẩm nghiên cứu gồm bài báo công bố và phát minh sáng chế cùng với chỉ số tham khảo dùng để đánh giá, xếp loại tạp chí khoa học trên toàn thế giới. Số lượng bài báo và sáng chế phát minh không chỉ là thước đo quan trọng năng lực của nhà khoa học mà còn là chỉ số cơ bản đánh giá năng lực của tổ chức khoa học công nghệ, rộng lớn hơn là năng lực khoa học và đổi mới quốc gia”, GS.TS Nguyễn Ngọc Châu nhấn mạnh những tiêu chuẩn cần quan tâm.
Ông Châu cũng cho rằng những quy định xét công nhận chức danh đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, GS hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập. Việc hoàn thiện các quy định như tăng cường kiểm tra, giám sát cả ứng viên và HĐGS các cấp là yêu cầu thực tế cấp thiết.