Đừng để giận mất khôn

Trong thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, đã xảy ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích vì ghen tuông.

Một bị cáo phải lãnh án về tội giết người xuất phát từ mâu thuẫn do ghen tuông tình cảm. Ảnh: T.Tâm

Một bị cáo phải lãnh án về tội giết người xuất phát từ mâu thuẫn do ghen tuông tình cảm. Ảnh: T.Tâm

Gần nhất, vào ngày 26-1, tại TT.Nam Phước (H.Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), 2 người phụ nữ (có mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu) đã tạt xăng vào một người phụ nữ khác rồi bật quẹt đốt khiến người này bỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được cho là do ghen tuông.

Vào ngày 15-9-2022, tại Đồng Nai cũng xảy ra một vụ án chấn động do ghen khi người chồng ra tay chém đứt lìa 2 cánh tay của vợ sau khi phát hiện chị này có quan hệ bên ngoài. Cụ thể, ngày 13-9-2022, Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tam An, H.Long Thành) đã chém liên tiếp nhiều nhát vào người vợ là chị N.T.T. (27 tuổi) sau khi chị T. thừa nhận có quan hệ tình cảm với một thanh niên khác. Chị T. đưa 2 cánh tay lên đỡ thì bị Bình chém đứt lìa.

Qua các vụ án giết người, cố ý gây thương tích vì ghen tuông cho thấy sự nóng giận nhất thời đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả thủ phạm lẫn nạn nhân. Thủ phạm thì đối diện với sự trừng trị của pháp luật với tội từ cố ý gây thương tích đến giết người với mức án nghiêm khắc, thậm chí theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình về tội giết người. Còn nạn nhân có thể mất mạng hoặc mang thương tích nặng nề như: bỏng nặng, mất sức lao động, mang thương tật suốt đời... Hơn hết là nỗi đau để lại cho gia đình, con cái là rất lớn, khó có thể phai nhòa. Đây là một vấn đề xã hội cần được quan tâm, có giải pháp phòng ngừa để tránh những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ án do ghen tuông. Trước hết, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một số người còn chưa cao; chưa quan tâm đến việc giải quyết dứt điểm những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; thiếu kỹ năng sống, thiếu kỹ năng xử lý tình huống...

Do đó, giải pháp quan trọng vẫn là từ mỗi cá nhân cần hạn chế để xảy ra những xung đột trong gia đình; khéo léo ứng xử trước những bất đồng, mâu thuẫn; hiểu biết pháp luật để tránh có những hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp xảy ra xung đột, mỗi gia đình cần ngồi lại để giải quyết, tránh để mâu thuẫn kéo dài, có thể nhờ đến các hội, đoàn thể can thiệp, hòa giải. Nếu phát hiện đối tượng có những hành vi đe dọa, gây nguy hiểm đến tính mạng cần báo cho cơ quan công an gần nhất để có thể được can thiệp kịp thời.

Ngoài ra, các ngành chức năng, hội, đoàn thể cần tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là quan điểm pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mọi công dân. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Bảo Ngọc (H.Long Thành)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202302/dung-de-gian-mat-khon-3155558/